Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc: Ngũ cốc của Ukraine vs lương thực và phân bón của Nga

Được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng, nên thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được các bên liên quan đặt nhiều kỳ vọng.

>> 1 tháng sau thỏa thuận Nga & Ukraine: Hơn 650 nghìn tấn ngũ cốc từ Ukraine ra thế giới

Các quốc gia nghèo khó, thiếu lương thực, hy vọng sớm nhận được ngũ cốc từ Ukraine. Còn người nông dân Ukraine cũng mong đợi số ngũ cốc tồn đọng sớm được giải phóng. Nhưng sau một tháng qua, câu hỏi đặt ra là: Liệu những gì diễn ra trên thực tế có đáp ứng được đúng như kỳ vọng?

Một tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, những con tàu phải nằm bờ nhiều tháng trời tại các cảng của Ukraine trên Biển Đen, thì giờ đây đã có thể ra khơi trên một tuyến đường được đảm bảo an toàn. Hơn 20 tấn ngũ cốc mắc kẹt trong nhiều tháng xung đột, giờ đây đã có thể được giải phóng.

Không chỉ vậy, những con tàu đầu tiên cũng đã cập cảng Ukraine. Đây là con tàu đầu tiên được Liên hợp quốc thuê để vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine theo thỏa thuận, với đích đến là châu Phi. Tàu Brave Commander sẽ mang 23.000 tấn lúa mì tới Djibouti, từ đó phân phối cho nhiều quốc gia châu Phi đang cần lương thực nhất.

Ông Oleksandr Kubrakov, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine: “Theo những đăng ký mà chúng tôi nhận được, có thể nói nhu cầu và khối lượng vận chuyển ngày càng tăng. Hàng chục tàu đang chờ để vào cảng”.

Ông DMITRO BARINOV, Cơ quan Quản lý cảng biển Ukraine: “Các doanh nghiệp và thị trường nhận thấy rằng, hành lang trên biển đang hoạt động. Đã có các con tàu cập cảng của Ukraine. Đó là một dấu hiệu rất tốt”.

Hoạt động xuất khẩu đã được nối lại. Thế nhưng sẽ phải mất nhiều ngày trên biển, và sẽ cần thêm nhiều thời gian để số lương thực trên tàu được phân phối tới người dùng.

Razoni – con tàu đầu tiên rời cảng Odessa, với hơn 26.000 tấn ngô, đã bị người mua ban đầu ở Liban từ chối nhận hàng vì giao chậm hơn hợp đồng 5 tháng và có những quan ngại về chất lượng, khi bị lưu kho quá lâu.

Cũng theo nhiều nhà phân tích, trên thực tế, phần lớn ngũ cốc đang được vận chuyển lại không phải phải là lúa mì, thứ mà các quốc gia thiếu lương thực đang cần nhất, mà lại là ngô, hạt hướng dương và đậu nành. Nguyên nhân là vì lượng ngũ cốc bị mắc kẹt tại Ukraine chủ yếu là ngô, thường được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc nhiên liệu sinh học. Theo ước tính của giới chức EU, chỉ ¼ trong tổng số 20 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt tại Ukraina là lúa mì.

Một phần quan trọng trong thỏa thuận ngũ cốc là đưa các mặt hàng lương thực và phân bón của Nga quay trở lại thị trường mà không gặp trở ngại nào từ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, điều này cho đến nay vẫn chưa được thúc đẩy.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES:“Điều quan trọng là tất cả các chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân phải hợp tác để đưa thực phẩm và phân bón của Nga ra thị trường. Nếu không có đủ phân bón trong năm 2022, thì sẽ không có đủ lương thực trong năm 2023”.

Một điểm đáng chú ý nữa là trên thực tế, không có chế tài nào được áp đặt đối với các vi phạm khi thực thi thỏa thuận ngũ cốc. Chính vì vậy, chỉ có tinh thần tự nguyện, lòng tin và thiện chí của các bên liên quan mới có thể đảm bảo sự thành công của thỏa thuận này.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thoa-thuan-xuat-khau-ngu-coc-ngu-coc-cua-ukraine-vs-luong-thuc-va-phan-bon-cua-nga