Thỏa thuận Nga-Thổ về Syria: Khó có thể ngăn được khủng hoảng tại Idlib

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã đạt được thỏa thuận về căn cứ địa cuối cùng của các lực lượng nổi dậy Syria. Tuy nhiên, theo trang mạng phân tích thông tin tình báo Stratfor, thỏa thuận này sẽ khó có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Tại vòng đàm phán gần đây nhất ở TP nghỉ mát Sochi của Nga hôm 17-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một khu vực phi quân sự do hai bên tuần tra chung, bao trùm khu vực có chu vi khoảng 15-20 km.

Thỏa thuận này có hiệu lực vào 15-10 tới, theo đó sẽ ngăn chặn các lực lượng ủng hộ Chính quyền Syria được Nga hậu thuẫn phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tái chiếm Idlib từ các nhóm đối lập, giúp tạm thời chấm dứt căng thẳng giữa Moscow và Ankara.

Tuy nhiên, Stratfor cho rằng vấn đề Idlib vẫn còn lâu mới có thể giải quyết được và hàng loạt trở ngại đang tồn tại có thể phá hoại thỏa thuận này.

Moscow thỏa hiệp với Ankara

Để duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã nhất trí về thỏa thuận nói trên. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chiến dịch quân sự được Nga hậu thuẫn nhằm vào phiến quân Syria ở tỉnh Idlib vì Ankara lo ngại chiến dịch này có thể phá bỏ một khu vực vùng đệm tại phía Bắc Syria, đồng thời có thể khiến hàng triệu người Syria chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ để tỵ nạn.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự, Ankara đã tăng cường thêm quân tới 12 vị trí đóng quân của nước này bên trong và xung quanh khu vực Idlib, đồng thời cam kết cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ các nhóm nổi dậy Syria do nước này hậu thuẫn.

Trong bối cảnh hiện nay, Nga vẫn có thể hậu thuẫn quân đội Syria tấn công vào tỉnh Idlib, cố gắng tránh một sự đối đầu trực tiếp với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách yêu cầu quân Chính phủ Syria tránh các vị trí đóng quân của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, do nguy cơ xảy ra các vụ tấn công mang tính chất rủi ro nhằm vào quân Thổ Nhĩ Kỳ là khá cao - điều có thể hủy hoại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nên Moscow đã lựa chọn phương án thỏa hiệp với Ankara.

Ngoài ra, Stratfor cũng cho rằng, bằng việc tránh các chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Idlib, Moscow đã làm giảm những nguy cơ về việc Chính quyền Syria có thể tiến hành thêm các vụ tấn công hóa học nhằm vào phe đối lập tại Idlib, từ đó tránh được một cuộc tấn công tiềm năng tiếp theo của Mỹ và đồng minh vào Syria.

Mặc dù thỏa thuận trên đáp ứng mục tiêu của Ankara là ngăn chặn một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào Idlib, nhưng điều đó không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không phải trả giá.

Ankara đã công khai cam kết sẽ trục xuất các lực lượng nổi dậy ra khỏi khu vực phi quân sự xung quanh Idlib như là một phần của thỏa thuận.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đã cam kết với Nga về việc nước này sẽ làm nhiều hơn để triệt hạ các nhóm cực đoan vẫn đang hoạt động tại Idlib, ví dụ như nhóm Hayat Tahrir al-Sham và đảng Hồi giáo Turkistan tại Syria.

Các nhóm phiến quân này và những chi nhánh của chúng trong khu vực Idlib không chỉ bao gồm nhiều tay súng Chechnya và Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ mà còn tiến hành một số vụ tấn công vào các lực lượng Nga tại Syria.

Trong một số vụ tấn công, những nhóm này đã sử dụng máy bay không người lái mang theo chất nổ tấn công vào căn cứ quân sự của Nga tại Latakia.

Người dân Idlib rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. (Ảnh tư liệu)

Trở ngại vẫn còn nhiều

Stratfor cho rằng phản ứng của các nhóm cực đoan đối với thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra thách thức lớn và tức thời nhất đối với sự thành công của thỏa thuận.

Vì đã có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, các nhóm thánh chiến như Hayat Tahrir al-Sham và đảng Hồi giáo Turkistan sẽ đối mặt với áp lực đáng kể từ Ankara buộc phải rút khỏi Idlib.

Hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và những nhóm này khó có thể được đảm bảo, bởi thời gian qua họ vốn đã nghi ngờ về ý định của Thổ Nhĩ Kỳ và đã cảnh giác với các nỗ lực của Ankara về việc thiết lập một liên minh nổi dậy, Mặt trận quốc gia vì tự do, để cân bằng và cuối cùng thay thế các nhóm cực đoan này trên chiến trường.

Việc từ bỏ những vị trí ở tiền tuyến và im lặng rút khỏi khu vực phi quân sự sẽ đi ngược lại tư tưởng cực đoan trong cuộc chiến chống Chính phủ Syria. Bằng việc nhượng bộ về niềm tin theo cách này, các nhóm cực đoan có thể mất uy tín dẫn tới không thể cạnh tranh được trong việc tuyển mộ tân binh so với Hurras al-Deen, nhóm có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda hay các nhóm còn sót lại của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại khu vực.

Mặt khác, các đồng minh của Nga là Iran và Chính phủ Syria cũng sẽ thách thức thỏa thuận trên. Tehran và Damascus vốn rất mong muốn nhận được sự hậu thuẫn của Moscow đối với một chiến dịch quân sự toàn diện tại Idlib và sẽ không hài lòng với thỏa thuận này, mặc dù về mặt công khai các đồng minh của Nga ủng hộ thỏa thuận.

Chính quyền Syria, với sự hỗ trợ của Iran, có thể bắt đầu gây ra những vụ đụng độ với các nhóm đối lập hoặc thậm chí tự ý phát động các cuộc tấn công vào khu vực này với lý do đáp trả những cuộc tấn công do các nhóm cực đoan tại khu vực tiến hành.

Tóm lại, tất cả những vấn đề nêu trên cho thấy bạo lực và bất ổn nhiều khả năng sẽ tiếp tục bao trùm tỉnh Idlib. Thậm chí, điều này vẫn có thể xảy ra ngay cả khi không có một chiến dịch quân sự quy mô lớn được phát động nhằm vào khu vực này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thoa-thuan-nga-tho-ve-syria-kho-co-the-ngan-duoc-khung-hoang-tai-idlib-122751.html