Thỏa thuận mở căn cứ ở Qatar: Mỹ cố siết Iran

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẽ mở rộng căn cứ quân sự của họ tại Qatar trở thành căn cứ lớn nhất Trung Đông để bảo vệ an ninh khu vực.

Trong chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Qatar và đã có những đàm phán quan trọng giữa Washington với Doha hôm 13/1.

Đáng chú ý trong đó là thỏa thuận về kế hoạch Mỹ mở rộng Căn cứ quân sự Al-Uleid. Tuyên bố trong một cuộc họp báo, ông Mike Pompeo hồ hởi cho biết kế hoạch này đã được thông qua toàn bộ.

Đánh giá về mối quan hệ với Qatar, ông Pompeo cho biết: "Hai nước có mối quan hệ toàn diện, quan trọng và ngày càng phát triển. Doha đã giúp chúng tôi đối phó với nhiều thách thức khu vực và quốc tế".

Theo đó, Al-Uleid là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và sẽ tiếp tục được củng cố để đảm bảo việc Mỹ có thể tăng số lượng máy bay chiến đấu, quân nhân và các lực lượng hậu cần thường trực tại đây.

Thậm chí, đã có thông tin về việc Mỹ sẽ biến căn cứ Al-Uleid thành một cơ sở hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng đề nghị Doha cùng hợp tác khai thác những thông tin tình báo mà quân đội Mỹ thu thập được sau khi triển khai Trung tâm Không quân Mỹ (AFCENT) tại đây.

Ông Mike Pompeo và Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Qatar trong buổi làm việc ở Doha

Ngoài ra, Mỹ cũng tỏ ra sẽ là trung gian hòa giải cho các vấn đề mâu thuẫn giữa Qatar và các quốc gia Ả Rập xung quanh. Ngoại trưởng Mike Pompeo chia sẻ:

"Chúng ta đều mạnh hơn khi cùng hợp tác và hạn chế bất đồng. Khi chúng ta có chung thách thức, những bất đồng giữa các nước vốn có chung mục tiêu không bao giờ mang lại hiệu quả"

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm: "Qatar và các quốc gia vùng Vịnh đã có bất đồng kéo dài quá lâu. Họ đều là đồng minh, những người bạn của Mỹ. Và chúng ta đều có những vấn đề với Iran. Vì thế, Mỹ sẽ tìm cách để hàn gắn những rạn nứt này".

Việc Washington có thể đặt một căn cứ quân sự quy mô lớn và lâu dài ở Qatar đã cho thấy Mỹ tiến thêm một bước xa trong việc bao vây và cô lập Iran, ít nhất về vấn đề chiến lược quân sự.

Căn cứ Al-Uleid là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông cho đến thời điểm này. Cơ sở này đang có tới 11.000 quân nhân và nhân viên quân sự đồn trú cùng hàng trăm máy bay các loại, bao gồm cả các chiến đấu cơ F-35, F-22 và các máy bay cảnh báo sớm, do thám tiên tiến nhất của Mỹ.

Một buổi lễ được tổ chức giữa quân đội Qatar và quân nhân Mỹ ở Al-Uleid

Mỹ dự tính sẽ nâng cấp căn cứ này để có thể chứa thêm 10.000 quân nhân. Khoảng 200 khu nhà đã được tiến hành xây dựng thêm tại căn cứ này. Đáng chú ý, Qatar thông qua kế hoạch mở rộng cảng quân sự ở gần căn cứ này để biến Al-Uleid thành một căn cứ tổng hợp, thay vì căn cứ không quân như trước.

Ngoài ra, xung quanh căn cứ, nhiều cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và giải trí đã được cả Mỹ và Qatar đầu tư để phục vụ nhu cầu của lực lượng đồn trú lâu dài tại đây.

Al-Uleid đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông. 80% các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ và đồng minh được xuất phát từ Al-Uleid. Căn cứ này cung cấp phần lớn các cuộc không kích cho các cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ từ năm 2003 đến nay.

Qatar có một vị trí địa chính trị quan trọng, dù chỉ là quốc gia có diện tích nhỏ bé nhất trong các quốc gia vùng Vịnh. Qatar nằm đối diện với Iran ở bờ bên kia của Vịnh Ba Tư. Căn cứ trên lãnh thổ quốc gia này cho phép Mỹ có thể kiểm soát toàn bộ khu vịnh này và eo biển Hormuz.

Một góc khu trại của quân nhân Mỹ ở Al-Uleid

Đây là một vị trí quan trọng khi Iran luôn đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để gia tăng sức ép với Mỹ. Tuyến đường qua eo Hormuz cũng là đường đi của năng lượng vùng Vịnh chảy ra các đại dương lớn.

Ngoài ra, với căn cứ không lồ này, Mỹ ngày càng kiện toàn hệ thống quân sự xung quanh Iran. Tại Iraq, Mỹ đang có khoảng 5.200 quân và dự kiến sẽ tăng lên 8.000 quân trong thời gian tới. Tại Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Mỹ đều có các căn cứ quân sự rải rác vài nghìn quân.

Điểm trừ lớn nhất trong chiến lược quân sự bao vây, cô lập Iran của Mỹ là họ đang gặp khó trong việc duy trì hiện diện tại Afghanistan. Hiện Mỹ đang có 14.700 quân ở quốc gia này. Tuy nhiên các tiến trình hòa bình phức tạp, sự trỗi dậy của Taliban khiến Washington không thể kiểm soát toàn bộ Afghanistan.

Thậm chí, chính quyền của ông Donald Trump đang tiến hành các cuộc thỏa thuận với Taliban về một hiệp định ngừng bắn, cùng với việc dự kiến rút một nửa quân số tại đây về nước.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thoa-thuan-mo-can-cu-o-qatar-my-co-siet-iran-3372825/