Thỏa thuận lịch sử và điều bất ngờ về người đầu tiên biết tin động trời: Liên Xô không còn

Có nhiều nguyên nhân và nhiều 'dấu mốc' dẫn đến sự tan rã Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô).

Nhưng một trong số những dấu mốc nổi bật nhất là ngày 8 tháng 12 năm 1991. Hôm đó, các nhà lãnh đạo Belorussia, Nga và Ukraine ký Thỏa thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), giải thể Liên Xô.

Belorussia, Nga và Ukraine là ba nước ký Hiệp ước thành lập Liên Xô ngày 29 tháng 12 năm 1922. Ngày hôm sau, khi Hiệp ước được Đại hội Xô-viết toàn liên bang phê chuẩn thì Liên bang có thêm thành viên thứ tư là Cộng hòa Zakavkaz. Năm 1936, Cộng hòa Zakavkaz giải thể, thay vào đó, ba nước cộng hòa Azerbaijan, Armenia và Gruzia ra đời.

Do không còn Cộng hòa Zakavkaz với tư cách một chủ thể pháp luật nên thỏa thuận tay ba Belorussia, Nga và Ukraine được coi là hợp thức, có hiệu lực "xóa sổ" Liên bang Xô-viết, một siêu cường mà vào thời kỳ rực rỡ nhất bao gồm 15 nước cộng hòa thành viên. Ngay ở đầu Thỏa thuận ngày 8/12/1991 đã ghi rõ: "Với tư cách một chủ thể của pháp luật quốc tế và một thực thể địa chính trị, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết chấm dứt tồn tại".

Thỏa thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập thường được gọi là "Hiệp ước Belovezhskoye", tên của khu rừng Belovezhskaya Pushcha thuộc lãnh thổ Belorussia, ở gần biên giới Ba Lan, nơi các nhà lãnh đạo Belorussia, Nga, Ukraine tiến hành cuộc đàm phán lịch sử.

Đặt bút ký vào Thỏa thuận là Stanislav Shushkevich, Chủ tịch Xô-viết Tối cao Belorussia; Viacheslav Kebich, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Belorussia; Boris Yeltsin, Tổng thống Nga; Gennady Burbulis, Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Nga, Quốc vụ khanh Nga; Leonid Kravchuk, Tổng thống Ukraine; và Vitold Fokin, Thủ tướng Ukraine. Ngày 10/12/1991, Xô-viết Tối cao Ukraine và Belorussia phê chuẩn Thỏa thuận, hai ngày sau, Xô-viết Tối cao Nga cũng thực hiện thủ tục tương tự.

Vì sao Belovezhskaya Pushcha?

Có phải các nhà lãnh đạo Belorussia, Nga và Ukraine hẹn nhau đàm phán tại khu rừng Belovezhskaya Pushcha để bảo đảm bí mật tuyệt đối? Những lý do nào khiến Belovezhskaya Pushcha được lựa chọn làm địa điểm của một sự kiện lịch sử?

Theo các tài liệu cho đến nay, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov không hề biết "kế hoạch" của ba nhà lãnh đạo Belorussia, Nga và Ukraine. Khi Thỏa thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập vừa được ký kết, Tổng thống Liên Xô Gorbachov hay Tổng thống Mỹ Bush cha được những người trong cuộc thông báo sớm nhất?

Cựu lãnh đạo Belorussia Stanislav Shushkevich kể lại: "Hôm đó chúng tôi đã thông qua dự thảo Thỏa thuận và chuẩn bị ký kết. Sẽ là một lễ ký kết trọng thể, trước ống kính truyền hình. Tổng thống Yeltsin đề nghị Tổng thống Ukraine thông báo cho Gorbachov. Còn tôi thì đề nghị Boris Yeltsin gọi điện thông báo cho Tổng thống Mỹ George Bush…"

Theo Stanislav Shushkevich, ông gọi điện cho Gorbachov qua kênh liên lạc của Chính phủ nhưng không ai nhấc máy, một lúc sau trợ lý của Gorbachov gọi lại và chuyển máy cho Gorbachov nói chuyện với ông.

Trong khi đó, nhận thấy cuộc đàm thoại giữa Shushkevich và Gorbachov có vẻ kéo dài nên Yeltsin đã dùng một máy điện thoại khác gọi cho Tổng thống Bush, nhờ Bộ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Kozyrev làm phiên dịch. Yeltsin thông báo với Tổng thống Mỹ: Liên Xô không tồn tại nữa.

Như vậy, lãnh đạo Belorussia, Nga và Ukraine gần như đồng thời liên lạc với cả Tổng thống Liên Xô và Tổng thống Mỹ, nhưng "vì lý do kỹ thuật, Mikhail Gorbachov không phải là người đầu tiên biết sự kiện động trời này" - cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk cho biết trong bài trả lời phỏng vấn "Báo văn học" Nga tháng 3/2021.

Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô hồi đó, Eduard Shevardnadze đã có lần khẳng định, ông và các đồng sự ở Moskva biết tin ký kết Hiệp ước Belovezhskoye thông qua các nguồn phương Tây, trước hết là hãng tin Reuters.

Boris Yeltsin: Không chấp nhận trò kéo co vô định

Tại phiên họp Xô-viết Tối cao Nga ngày 12/12/1991, Tổng thống Boris Yeltsin đã giải thích lý do ông và các nhà lãnh đạo Belorussia, Ukraine ký Thỏa thuận.

Ông Yeltsin tường trình: "Sau tháng 8, tình trạng tan rã Liên Xô đã đi vào giai đoạn chót, Liên bang bắt đầu hấp hối. Ngay cả tên nước cũng thể hiện điều đó. Đầu tiên, trong tên nước không còn từ "xã hội chủ nghĩa", sau đó, từ "Xô-viết" cũng biến mất, rồi "các nước cộng hòa" được thay bằng hợp từ "các quốc gia có chủ quyền". Phần lớn những nước này đã tuyên bố độc lập, đã thông qua những đạo luật tương ứng. Một số nước cộng hòa liên bang đã chính thức ra khỏi Liên bang và được quốc tế công nhận. Trong khi đó, trò kéo co chẳng những vẫn tiếp tục diễn ra mà còn có cường độ mạnh hơn. Chúng ta đã chìm ngập trong những cuộc đàm phán vô tận, trong những cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến rộng và hẹp liên miên. Toàn bộ những cái đó diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế gay gắt, thiếu thốn mọi thứ thiết yếu, những "trò kéo co" đó càng khiến cho người dân tức giận…".

Vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga cho rằng, ngày 1/12/1991 đã trở thành thời khắc nguy cấp, vì người dân Ukraine đã ủng hộ nền độc lập trong cuộc trưng cầu ý dân; từ đó tình trạng tan rã Liên bang không đảo ngược được nữa; theo đà đó, có thể có những hậu quả khôn lường đối với thế cân bằng địa chính trị trên thế giới; nguy cơ leo thang xung đột trong không gian Liên bang Xô-viết hiện hữu; vì vậy, khẩn cấp cần có những biện pháp kiên quyết xoay chuyển tình hình.

"Tại Belorussia, điều đó đã làm được. Kết quả quan trọng nhất là ba nước cộng hòa từng đứng ra thành lập Liên Xô đã chặn được tiến trình tan rã tự phát và hỗn loạn của không gian chung, nơi các dân tộc chúng ta sinh sống, đã tìm ra công thức duy nhất có thể có để bảo đảm sống chung trong những điều kiện mới – đó là Cộng đồng các quốc gia độc lập" – Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố.

Ông Yeltsin cũng nhấn mạnh: "Thỏa thuận (ngày 8/12/1991) xác định một thực tế là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết chấm dứt tồn tại. Nhưng tôi bác bỏ những cáo buộc nhằm vào những người ký Thỏa thuận rằng dường như họ đã tùy tiện thủ tiêu Liên Xô".

Cùng với việc phê chuẩn Thỏa thuận (có 6 phiếu chống, 7 phiếu trắng), hôm đó Xô-viết Tối cao Nga cũng thông qua Nghị quyết chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước thành lập Liên Xô ngày 30/12/1922 và Nghị quyết về việc Nga ra khỏi Liên bang Xô-viết.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thoa-thuan-lich-su-va-dieu-bat-ngo-ve-nguoi-dau-tien-biet-tin-dong-troi-lien-xo-khong-con-820211912222036594.htm