Thỏa thuận lịch sử Trump - Kim tạo cán cân ngoại giao, an ninh và kinh tế mới

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đặt bút ký vào thỏa thuận chung với các biện pháp vững chắc và cụ thể cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Hai nhà lãnh đạo đi dạo trong khuôn viên Capella Hotel mà không có các cố vấn đi cùng. Đây là "khoảnh khắc tuyệt vời nhất", Tổng thống Donald Trump phát biểu. (Ảnh: Trần Phong chụp từ màn hình)

Khoảnh khắc lịch sử của thế giới: thỏa thuận hòa bình cho bán đảo Triều Tiên được ký kết sau gần 70 năm bị xếp xó. (Ảnh: Getty)

Thỏa thuận này là một tiến bộ vượt xa sự mong đợi của mọi người vì trước đó, tất cả mong chờ nhiều lắm là một tuyên bố chung.

Sau khi rời cuộc họp chung với các quan chức cấp cao, hai ông Trump và Kim đã cùng đi dạo trong khuôn viên của khách sạn Capella mà không có bất cứ cố vấn nào đi theo, kể cả hai người phiên dịch. Trên đường đi, ông Trump trả lời các nhà báo một cách đầy ẩn ý rằng một lễ ký kết sẽ diễn ra sau buổi làm việc ăn trưa của hai người. Ông Trump nói “có nhiều tiến bộ thật sự tại cuộc họp mà không ai ngờ tới”.

Lễ ký kết và trao đổi văn bản giữa hai nhà lãnh đạo thế giới diễn ra ngắn gọn trong 5 phút.

Phái đoàn của ông Kim rời khách sạn Capella về lại khách sạn St Regis vào 13h45 chiều nay (12h45 giờ Hà Nội). Trước khi rời Capella, ông Kim phát biểu: “Thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn”.

Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC) phục vụ cho hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh trở nên tấp nập sau thỏa thuận lịch sử Trump - Kim. (Ảnh: Trần Phong)

Thỏa thuận này có ý nghĩa như thế nào đối với quốc tế?

- Hoa Kỳ: Đây có thể là phần quà sinh nhật lớn nhất dành cho Tổng thống Donald Trump vào ngày 14/6 sắp tới khi ông tròn 72 tuổi. Thỏa thuận cũng là cam kết với quá trình giải trừ hạt nhân “nhanh chóng, toàn diện, có thể xác minh và không thể đảo ngược” mà nội các của ông Trump đeo đuổi trong suốt ba tháng qua.

Và với thỏa thuận này, cả ông Trump lẫn ông Kim đều sẽ được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2018.

- Triều Tiên: Thế giới sẽ nhìn đất nước này với con mắt khác, không phải với “định kiến và thói suy nghĩ xưa cũ”. Kế hoạch giải trừ hạt nhân theo từng bước là cách mà Bình Nhưỡng mở cửa với thế giới bên ngoài, chậm mà chắc theo ý muốn của họ.

Triều Tiên có thể được gỡ bỏ cấm vận kinh tế, nhận nguồn vốn nước ngoài để phát triển nền kinh tế èo uột nhưng còn nhiều mảnh đất chưa khai phá. Bên cạnh đó, là sự đảm bảo an toàn và an ninh cho chế độ chính trị hiện tại của Bình Nhưỡng.

- Nhật Bản và Hàn Quốc: Hai đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương đang cảm giác bị ông Trump gạt ra khỏi các kế hoạch của mình. Ông Trump phải “vỗ về và hàn gắn các mối quan hệ và niềm tin đang bị lung lay” của hai đồng minh lớn nhất của ông ở Đông Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn muốn nhờ sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng hiện nay như những nạn nhân bị bắt cóc, phân bố lại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại hai nước này…

- Trung Quốc và Nga: Thỏa thuận này đã tách Triều Tiên ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của cả hai cường quốc này, đặc biệt là Trung Quốc. Thế trận an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương đã thay đổi sau thỏa thuận lịch sử này.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương: "Thỏa thuận lịch sử đã tăng thêm sức mạnh cho giá trị thương hiệu Singapore" (Ảnh: T.L)

Và cuối cùng là Singapore: Trong cuộc phỏng vấn phát trên CNN sáng 12/6, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói rằng Singapore chỉ làm vai trò của “người rót trà, cà phê” - theo cách nói khiêm tốn của ông - và là “nơi cung cấp địa điểm tiện nghi, thuận lợi và trung lập” cho cả hai bên đàm phán. Ông Lý cũng đùa rằng “tên lửa sẽ vươn tới Singapore vì Singapore không phải là mục tiệu”.

Singapore đã chi khoảng 20 triệu SGD (khoảng 350 tỷ VNĐ), cho tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này và số tiền đó hoàn toàn không uổng phí. “Thế giới sẽ biết đến Singapore cùng với sức ảnh hưởng của quốc đảo này. Ngân khoản đó không phải quăng đi mà mang lại giá trị cho thương hiệu Singapore, trước tiên là về du lịch”, Tiến sĩ Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận xét.

Có lẽ những doanh nhân và doanh nghiệp Singapore là những người đầu tiên tận hưởng thành quả này. Jesher Loi – Giám đốc tiếp thị của chuỗi Ya Kun Kaya Toast – nói sẽ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Triều Tiên khi nước này mở cửa với thế giới bên ngoài sau thỏa thuận lịch sử này.

Còn Harry A. – chủ nhân chuỗi thương hiệu nhà hàng Singapore tại TP.HCM – nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng “Triều Tiên là biên giới cuối cùng của những nhà đầu tư và doanh nhân đang tìm dư địa làm ăn mới”. Sau 10 năm làm ăn ở TP.HCM, chuỗi thương hiệu của ông đã có 8 nhà hàng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Nhà hàng thứ chín sẽ sớm khai trương tại Johor Bahru, Malaysia.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thoa-thuan-lich-su-trump--kim-tao-can-can-ngoai-giao-an-ninh-va-kinh-te-moi-d67960.html