Thỏa thuận lịch sử OPEC+ có phải là chiến thắng cho Nga?

Ngày 10/4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và một số nước khác đã nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận mới về tạm thời cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Đã có sự đồng thuận sau hơn 9 tiếng hội đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Năng lượng các nước sản xuất dầu lớn.

Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thỏa thuận hoàn tất ngày 12/4, 22/23 nước tham gia sẽ cùng nhau cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới, với ngưỡng giảm 23% so với năng lực sản xuất tại thời điểm tháng 10/2018. Nga và Saudi Arabia giảm sản lượng từ mức 11 triệu thùng/ngày xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày. Mexico từ chối cắt giảm theo mức đề nghị 400.000 thùng/ngày, chỉ đồng ý giảm 100.000 thùng/ngày. Ngay trong ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàn tay ba với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al để chúc mừng đồng thuận mới đạt được. Sau hội thoại ba bên, hai ông Trump và Putin có cuộc điện đàm song phương. Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về những diễn biến vừa qua trên thị trường dầu mỏ thế giới, trong đó có thỏa thuận OPEC+ mới đạt được về cắt giảm sản lượng. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tham vấn về nội dung này.

Theo Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) Leonid Fedun - một trong số ít người ngay từ đầu chỉ trích ý tưởng tách Nga khỏi OPEC, nếu không có thỏa thuận, kho dự trữ dầu toàn quốc sẽ đầy ứ trong vòng 40-45 ngày tới và Nga sẽ phải đóng băng các giếng dầu, bán dầu với mức giá 15-20 USD/thùng. Với thỏa thuận vừa đạt được, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 30-40 USD/thùng và Nga sẽ có được nguồn thu 70-80 triệu USD/ngày. Rõ ràng việc Nga và các bên chấp nhận hợp tác là một lựa chọn hợp lý.

Một số người cho rằng Tổng thống Trump là nhân tố chính giúp thúc đẩy thỏa thuận. Alexey Ilyashevich, một nhà báo viết cho tờ Svobodnaya Pressa (Báo chí tự do- Free Press) nhìn nhận, người thắng trong cuộc chơi này là nhà lãnh đạo Mỹ, vì cuộc gặp Bộ trưởng Năng lượng các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đã diễn ra theo đúng kịch bản mà ông Trump đề ra. Chính Tổng thống Mỹ là người nâng được uy tín cá nhân khi đẩy được Tổng thống Putin và Thái tử Saudi Arabia Bin Salman đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và thể hiện thiện chí sẵn sàng thỏa hiệp.

Trước đó, hồi tháng 3, Nga đã từ chối kéo dài thỏa thuận về cắt giảm sản lượng, trong đó Nga phải giảm 1,5 triệu thùng/ngày. Nhưng giờ đây Nga đã buộc phải giảm lượng dầu khai thác 2,5-2,8 triệu thùng/ngày. Liệu có đáng và hợp lý không khi Nga tách mình khỏi OPEC+ trong tháng 3 để rồi buộc phải chấp nhận mức cắt giảm sâu hơn? Nga và Saudi Arabia sẽ phải rút hàng triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường, trong khi Mỹ chỉ phải giảm vài trăm nghìn thùng/ngày. “Là người chơi có đủ khả năng thích ứng với thay đổi của giá dầu theo một cách thức linh hoạt hơn Nga và các nước còn lại, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vị thế cơ lợi”, tờ Svobodnaya Pressa bình luận.

Một số nhà phân tích thị trường dầu mỏ Nga thậm chí còn bi quan hơn về những hệ quả cuối cùng mà Nga sẽ phải gánh chịu khi tuân thủ thỏa thuận. Mikhail Krutikhin, một chuyên gia tại công ty tư vấn RusEnergy có trụ sở tại Moskva chuyên theo dõi, tư vấn về ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt của Nga và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết cho rằng thỏa thuận mới sẽ gây ra những tác động tiêu cực trong dài hạn cho kinh tế Nga. Theo ông, Nga hiện có khoảng 180.000 giếng dầu đang hoạt động. Để cắt giảm sản lượng ở mức 23%, Nga buộc phải đóng cửa 14.000 giếng. Tính trung bình, một giếng có sản lượng 9,5 triệu tấn dầu/ngày. So sánh với Saudi Arabia, một giếng ở nước này có thể cho sản lượng 1.000-2.000 tấn. Điều này có nghĩa số giếng dầu mà Nga phải đóng cửa gấp 16 lần con số của Saudi Arabia.

Để đóng cửa số này, các công ty sẽ phải ngắt đường cấp điện, ngừng bơm ép nước. Nó không quá phức tạp về mặt kĩ thuật, nhưng sẽ rất khó để khôi phục lại năng lực sản xuất của các giếng này sau đó. Nếu số giếng dầu bất động trong hai tháng, sẽ phải tiến hành vệ sinh, đánh bay hợp chất giữa paraffin và searin. Tại các khu vực phía Bắc nơi tập trung nhiều cơ sở khai thác dầu của Nga, các giếng dầu còn xảy ra tình trạng đông cứng, muốn đánh tan phải sử dụng dung môi kết hợp với máy bơm để xử lý. Đó là một quy trình rất tốn kém.

Ông Krutikhin còn nhấn mạnh, ngay cả khi các giếng dự trữ này tái khôi phục sản xuất, sẽ không có đủ nguồn tiền cho vận hành các giếng mới. Các công ty thiếu nguồn thu và để đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ phải cắt giảm sản lượng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi thỏa thuận OPEC+ có làm giá dầu nhích lên đôi chút, ngân sách Nga tới đây cũng sẽ không dư dả do sản lượng dầu xuất khẩu giảm. Đó sẽ là một thảm họa tài chính.

Có lẽ, để tránh những hệ quả xấu này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhấn mạnh rằng, thỏa thuận mới đạt được chỉ mang tính thăm dò, tạm thời và vẫn có thể điều chỉnh được. “Các Bộ trưởng nhất trí thực hiện thực thi cắt giảm trong thời hạn 2 năm. Khung thời gian này là hiệu quả nhất đối với thị trường, để gửi đi một tín hiệu rằng các bên rất nghiêm túc trong áp dụng các biện pháp để phục hồi thị trường dầu mỏ, khôi phục cân bằng cung-cầu” – ông Novak phát biểu sau cuộc gặp. Nhưng người phụ trách ngành dầu khí của Nga cũng cho biết nếu thị trường tốt lên nhanh hơn dự báo, các quyết định về sản lượng có thể sẽ được điều chỉnh.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thoa-thuan-lich-su-opec-co-phai-la-chien-thang-cho-nga-20200414080744852.htm