Thỏa thuận 'không xâm phạm' của Israel: Hòa bình hay một cuộc chiến mới?

Đầu tuần qua, Israel bất ngờ phát đi tuyên bố mong muốn đàm phán một thỏa thuận 'không xâm phạm' với các quốc gia Arab vùng Vịnh, dưới sự hỗ trợ của Mỹ. Giới truyền thông Israel coi đây như một sáng kiến chính trị, khẳng định quốc gia Trung Đông này đang đi những bước đầu tiên nhằm chấm dứt xung đột, từ đó hiện thực hóa các hiệp ước hòa bình trong tương lai.

Tuy nhiên, không ít quan điểm cho rằng đề xuất của Israel chỉ mang tính hình thức nhằm ra tín hiệu về một cuộc chiến mới với Iran.

Thắt chặt tình đồng minh

Từ lâu nay, khu vực Trung Đông vẫn luôn âm ỉ những mâu thuẫn chưa thể giải quyết, đặc biệt liên quan đến việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên, những diễn biến mới đầy quan ngại liên quan đến nhân tố Iran khiến các quốc gia Arab dường như xích lại gần nhau hơn với hi vọng đạt được một số thỏa thuận hòa bình.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Ngoại trưởng Yisrael Katz bước đầu hé mở một lộ trình xây dựng thỏa thuận mà phía Israel gọi là “không xâm phạm” giữa Israel và khối Arab nói chung. Đây là thành quả sau nỗ lực thảo luận của Israel với nhà đàm phán về Trung Đông của Mỹ Jason Greenblatt và ngoại trưởng các nước Arab tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cách đây hai tuần.

Giới quan sát nhận định, Israel đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các quốc gia Vùng Vịnh trong bối cảnh hiện mới chỉ có Jordan và Ai Cập ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel. Trên thực tế, bất chấp căng thẳng chính trị trên bề mặt, Israel và các nước Arab lại có hợp tác ngầm sâu sắc trong các vấn đề kinh tế. Với thỏa thuận “không xâm phạm”, Israel sẽ có cơ hội thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với các quốc gia Arab, đồng thời mở rộng hợp tác chống khủng bố giữa Israel và các quốc gia ở Vùng Vịnh mà họ chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Quan trọng hơn, thỏa thuận “không xâm phạm” sẽ là một bước tiến lịch sử, khẳng định các quốc gia Arab sẽ không cầm vũ khí chống lại Tel Aviv nếu nước này bắt đầu cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran.

Cần chú ý rằng, thỏa thuận do Israel đề xuất sẽ được phía Mỹ bảo trợ, nhằm mục đích chấm dứt tình trạng chiến tranh, mở ra chương mới cho tiến trình hợp tác dân sự. Mong muốn “không xâm phạm” trước mắt sẽ tạo nên một khuôn khổ để Israel cùng các quốc gia “không cùng chiến tuyến” gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tạo nền móng cho một lộ trình hòa bình lâu dài.

Việc khối Arab xích lại gần Israel trở thành cầu nối cải thiện quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh Trung Đông khác, từ đó củng cố sự hiện diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại khu vực đầy biến động này. Điều này được dự báo sẽ gia tăng sức mạnh của Israel, trong bối cảnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Donald Trump mong muốn thúc đẩy một hiệp ước phòng thủ chung để Israel được hỗ trợ quân sự nếu xung đột nổ ra.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn thúc đẩy một hiệp ước phòng thủ chung.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn thúc đẩy một hiệp ước phòng thủ chung.

Kích hoạt cuộc chiến mới

Không phải ai cũng lạc quan với ý tưởng “không xâm phạm” như truyền thông đang đưa tin bằng những ngôn từ kiểu “bước đi đột phá” trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Nhiều chuyên gia hoài nghi, mục đích thực sự của Israel là chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xung đột quân sự sắp xảy ra với Iran.

Bằng cách lôi kéo các quốc gia Arab về phía mình, Israel đang ngầm “thử” phản ứng của giới lãnh đạo các nước Vùng Vịnh trước nguy cơ này. Bất cứ phản ứng nào cũng sẽ được Israel quan sát rất kỹ, để điều chỉnh chính sách đối ngoại và hợp tác trong thời gian tới.

Niềm tin của Israel là các đối tác tiềm năng ở Vùng Vịnh sẽ không chống lại Tel Aviv khi quốc gia này thực hiện các chiến dịch quân sự nhằm vào Iran. Dường như điều này có thể xảy ra khi mà giới lãnh đạo Arab, cùng với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã cùng nhau chỉ trích Iran đầy hiểm độc và luôn cản trở nỗ lực giải quyết xung đột Israel - Palestine và các cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông trong hội nghị cấp cao ở Warsaw (Ba Lan) hồi tháng 2-2019.

Chưa hết, một số quan điểm chỉ trích đề xuất “không xâm phạm” mang tính chính trị, là cơ hội để chính ông Benjamin Netanyahu đánh bóng tên tuổi, lấy lại niềm tin của người dân vào đảng cầm quyền Likud trước thềm thành lập chính phủ mới.

Trên thực tế, khả năng cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang lung lay dữ dội khi đảng Likud của ông không giành được đa số phiếu như mong đợi để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Nếu như đề xuất thỏa thuận với khối Arab thành công thì cơ hội đánh bại đối thủ là đảng Xanh - Trắng của Likud rất lớn, giúp ông Benjamin Netanyahu tiếp tục duy trì vị thế quyền lực của mình. Khi ấy, Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục gây sức ép, buộc Iran chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân hà khắc hơn hoặc phối hợp với đồng minh để khuấy động phong trào biểu tình chống chính phủ ở Iran.

Cho đến nay, các động thái tấn công mạnh mẽ giữa Israel và Iran khiến căng thẳng song phương ngày càng gia tăng. Đôi bên đều không muốn xung đột nhưng không thể thiết lập cơ chế đối thoại trực tiếp. Chưa ai rõ liệu đề xuất thiết lập một thỏa thuận hòa bình với các nước Arab có thực sự kích hoạt một cuộc chiến với Iran hay không. Chỉ biết rằng, đường lối dân tộc chủ nghĩa bảo thủ và cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Netanyahu, dưới sự bảo hộ của Mỹ và những thay đổi chính sách của Washington, sẽ càng khiến cho tiến trình hòa bình Trung Đông trở nên khó khăn hơn trước.

Lê Nam

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thoa-thuan-khong-xam-pham-cua-israel-hoa-binh-hay-mot-cuoc-chien-moi-565662/