Thỏa thuận hạt nhân Nga-Mỹ: Tờ giấy vô tác dụng

Nga đình chỉ thỏa thuận hạt nhân loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí với Mỹ, cáo buộc Mỹ hành động thù địch, thực chất thỏa thuận vốn vô tác dụng.

Chiều 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận giữa Moscow và Washington về loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí.

Sắc lệnh có đoạn: "Việc ngừng thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Hoa Kỳ về Plutonium vì nó không còn cần thiết cho mục đích quốc phòng và Hợp tác liên quan trong lĩnh vực này".

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, bản thỏa thuận hạt nhân bị đình chỉ do "xuất hiện mối đe dọa khẩn cấp đối với sự ổn định chiến lược và là hệ quả của những hành động thù địch từ phía Mỹ đối với Nga; cũng như sự "bất lực" của Hoa Kỳ trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết về plutonium ở cấp độ vũ khí".

Ông Putin cũng từng nhắc tới việc Mỹ không giống Nga- bên tuân thủ nghĩa vụ trong việc tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí như cam kết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Theo Russia Today, Washington đã quyết định rằng sẽ ít tốn kém hơn khi trộn các nguyên liệu hạt nhân với các chất làm loãng đặc biệt. Phía Moscow coi đó là sự vi phạm thỏa thuận mà hai bên đạt được, trong đó yêu cầu sử dụng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium chứ không phải là công nghệ pha trộn.

Phía Nga nhấn mạnh những vật liệu được trích xuất ra sẽ không được sử dụng cho bất kỳ mục đích quân sự nào tại Nga. Truyền thông Nga nhận định, quyết định này thật ra không quá bất ngờ vì trước đó Nga đã bày tỏ sự không hải lòng với cách Mỹ muốn giải quyết việc tái xử lý plutonium.

Reuters nhận định quyết định này của Tổng thống Putin cho thấy mối quan hệ tiếp tục xấu đi của Washington và Moscow.

Bản thỏa thuận về việc tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí được Nga và Mỹ ký kết hồi năm 2000. Theo đó, mỗi bên sẽ phải tiêu hủy 34 tấn Plutonium (số lượng này đủ để sản xuất vài ngàn đầu đạn hạt nhân). Tiếp đó, năm 2010, hai nước ký thêm một nghị định thư về việc loại bỏ Plutonium. Việc tiêu hủy plutonium, theo thỏa thuận, sẽ được Nga và Mỹ thực hiện trong năm 2018.

Vũ khí hạt nhân chỉ là công cụ răn đe

Nga và Mỹ bên cạnh thỏa thuận tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí thì vẫn âm thầm tìm cách để nâng cấp liên tục các vũ khí có khả năng chứa đầu đạn hạt nhân.

Tiến sĩ Jeffrey Lewis, người sáng lập nhà xuất bản Arms Control Wonk nhận định: Nga có nhiều thiết kế tên lửa hơn Mỹ. Nga chế tạo tên lửa dựa theo sự cải thiện dần dần, tức là vũ khí cần được nâng cấp thường xuyên.

Còn vũ khí hạt nhân Mỹ như những chiếc siêu xe Ferrari: đẹp mắt, đầy phức tạp và thiết kế cho hiệu quả cao.

Các chuyên gia từng ước lượng rằng, plutonium trong tên lửa Mỹ có thể tồn tại hơn 100 năm. Các tên lửa như Minuteman III của Mỹ là một cỗ máy trường tồn và đáng kinh ngạc. Vũ khí hạt nhân Nga mới hơn nhưng nó phản ánh triết lí thiết kế không bền vững và họ sẽ chế tạo tên lửa mới trong khoảng 10 năm.

Trong khi đó, sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân khiến nó nguy hiểm vượt trội nhiều lần so với các loại vũ khí khác và là một con bài mà các cường quốc đều kiếm cho mình một cái cớ để sử dụng.

Tuy nhiên, trong thời đại mà tính chất của các cuộc chiến tranh đã biến đổi thành chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh nổi dậy thì vũ khí hạt nhân đã giảm đi đáng kể vai trò. Có nghĩa là các cường quốc hạt nhân sẽ chỉ còn mang nó để răn đe chứ không dám thực hiện bất cứ một nút bấm hạt nhân nào.

Hầm phóng tên lửa “Minuteman III” có tới 450 cái trên toàn nước Mỹ.

Người Mỹ cho rằng vũ khí hạt nhân đã lạc hậu. Trong một cuộc chiến tranh nổi dậy, vũ khí hạt nhân về mặt nguyên tắc dứt khoát không thể được sử dụng, bởi vì đó sẽ là một hình thức diệt chủng– giết hại hàng loạt dân thường vô tội.

Bên cạnh đó, sử dụng hạt nhân để chống lại một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắc sẽ chịu đòn đáp trả, cái mà các quốc gia nhận được không phải là một chiến thắng, mà là một kết cục hủy diệt diệt lẫn nhau không tránh khỏi.

Cùng với chiến tranh nổi dậy, vũ khí hạt nhân thể trở thành biện pháp đáp trả phi đối xứng rất hiệu quả của một số nước chậm phát triển để chống lại một cuộc chiến tranh công nghệ cao chống lại họ.

Nếu vũ khí hạt nhân không còn nữa, vai trò độc tôn quân sự và cùng với đó là bá quyền chính trị của Mỹ trên thế giới là một thực tế không thể tranh cãi.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thoa-thuan-hat-nhan-nga-my-to-giay-vo-tac-dung-3320051/