Thỏa thuận hạt nhân Iran: Mỹ đối đầu với nhiều nước

Nhất quyết muốn gia hạn cấm vận lên Iran, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị các đồng minh cô lập và dè chừng.

Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ đến trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở TP New York vào ngày 20-8 để tìm cách vận động Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an (HĐBA) gia hạn các lệnh cấm vận Iran trên danh nghĩa Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Chiếu theo nội dung của Nghị quyết 2231 của HĐBA, các lệnh này sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới.

Trong thông cáo về chuyến đi của ông Pompeo, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quan chức này muốn xác lập một “phản ứng thống nhất” để buộc Iran phải chịu trách nhiệm và đảm bảo HĐBA làm đúng vai trò của một cơ chế đảm bảo hòa bình, ổn định toàn cầu.

Tuần trước, Mỹ từng đem vấn đề trên ra trước HĐBA bỏ phiếu nhưng thất bại nặng nề khi chỉ được duy nhất CH Dominica ủng hộ, còn lại toàn bộ các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp và Đức - vốn cũng là những nước tham gia ký thỏa thuận bỏ phiếu trắng. Nga và TQ bỏ phiếu chống.

Giải mã những tính toán của Mỹ

Bình luận trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia về Trung Đông Ellie Geranmayeh thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu cho biết trên thực tế, hầu hết thành viên HĐBA đều đồng ý gia hạn trừng phạt Iran nhưng phải có thời hạn rõ ràng chứ không phải vĩnh viễn như Mỹ đề xuất.

Tuy nhiên, dù được chấp thuận hay không thì Mỹ vẫn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Trường hợp HĐBA thông qua đề xuất của Mỹ thì Tehran sẽ thiệt hại nặng, còn Washington không cần phải làm gì thêm cả. Còn nếu Mỹ không thuyết phục được các thành viên khác thì đây sẽ là cái cớ để nước này kích hoạt cơ chế Snapback (tái áp đặt trừng phạt) quy định trong nội dung thỏa thuận.

Theo cơ chế này, khi có một bên tham gia ký kết cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận thì tự khắc bên đó có thể yêu cầu LHQ tái kích hoạt mọi biện pháp trừng phạt từng áp dụng đối với Iran trước khi có thỏa thuận. HĐBA trong vòng 30 ngày nếu không ra được nghị quyết bác bỏ yêu cầu thì các lệnh cấm vận nghiễm nhiên có hiệu lực. Mỹ, với tư cách là một trong năm thành viên thường trực, đương nhiên có quyền phủ quyết nghị quyết này.

“Đây rõ ràng là mục tiêu cuối cùng của Mỹ khi đưa ra một đề xuất không tưởng vì họ biết chắc rằng sẽ bị phản đối. Đặt HĐBA vào thế đã rồi, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với cả đồng minh để đạt được ý đồ của mình. Có thể xem chuyến thăm của ông Pompeo là cơ hội thứ hai mà Mỹ dành cho HĐBA để suy tính lại nên bảo vệ Iran hay thuận theo ý Mỹ” - bà Geranmayeh nhận định.

Chuyên gia này cũng lưu ý đây là một phần trong kế hoạch của ông Trump phá bỏ toàn diện thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump lâu nay vẫn cho đây là một di sản thất bại của người tiền nhiệm Barack Obama, không đủ sức buộc Tehran từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân trong khi đặt Mỹ vào thế phải nhượng bộ Iran. Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018, ông Trump muốn đàm phán lại với Tehran một thỏa thuận mới không chỉ bao gồm chương trình hạt nhân mà gồm cả chương trình tên lửa của Iran, cách hành xử của Iran ở Trung Đông, cũng như chính sách ngoại giao của nước này với phương Tây.

Vì thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đang phải đối đầu với hai đồng minh là Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: GETTY IMAGES

Vì thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đang phải đối đầu với hai đồng minh là Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: GETTY IMAGES

Cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân dần khép lại

Về cơ bản, hậu quả lớn nhất từ các động thái của Washington là sẽ khiến Iran mất động lực chính để kiềm chế các hoạt động hạt nhân của mình, làm tăng nguy cơ nước này cũng rút luôn khỏi thỏa thuận. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ càng làm gia tăng khoảng cách giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây vốn vẫn tiếp tục ủng hộ thực thi thỏa thuận.

Chuyên gia Geranmayeh thừa nhận với tình hình hiện tại thì cơ hội để cứu lấy thỏa thuận là không nhiều. Phần đông các quốc gia sẽ ngại đối đầu với Mỹ vì lo ngại bị gây áp lực về kinh tế. Cộng đồng quốc tế cũng có thể viện dẫn việc Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận để đưa yêu cầu của Mỹ ra Tòa án Công lý quốc tế nhờ phân xử nhưng Washington có chấp nhận phán quyết hay không lại là chuyện khác, chưa kể khả năng Mỹ đã thúc đẩy thông qua thành công cơ chế Snapback mà tòa vẫn chưa xử xong.

Iran sẽ đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt từ Mỹ và HĐBA và các lựa chọn của chúng tôi không hề bị giới hạn. Bất kỳ tổ chức nào chấp nhận và hỗ trợ hành vi bất hợp pháp của Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đại sứ Iran tại LHQ MAJID TAKHT RAVANCHI

Theo bà Geranmayeh, có thể trong nội bộ nhóm nước phản đối sẽ chia thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên do Nga và TQ dẫn đầu, chắc chắn sẽ tìm mọi cách ngăn cản và phản kháng ra mặt việc thông qua Snapback cũng như sẽ từ chối thi hành nếu không cản được. Nga và TQ lâu nay có mối quan hệ hợp tác gắn bó với Iran trên nhiều lĩnh vực.

Nhóm thứ hai gồm các thành viên ký thỏa thuận khác - như Anh, Pháp, Đức - lại muốn vừa cân bằng quan hệ với Mỹ và nhiệm vụ của HĐBA. Những nước này nhiều khả năng sẽ đàm phán riêng rẽ với Iran và Mỹ nhằm đạt được một giải pháp thay thế và yêu cầu các bên kiềm chế. Hồi tháng 6, ba nước này cũng đã từng ra tuyên bố chung từ chối công nhận quyết định kích hoạt cơ chế Snapback của Mỹ.

Nhìn chung, hầu hết giải pháp trên dù khác nhau ở phương thức đều có điểm giống nhau là cầm chân Mỹ càng lâu càng tốt. Do chỉ còn hơn 10 tuần nữa là cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, chuyên gia Geranmayeh nhận định có không ít quốc gia đang kỳ vọng một tổng thống mới sẽ lên thay ông Trump và giúp chấm dứt thế bế tắc hiện nay. Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden từng cam kết nếu đắc cử sẽ ngay lập tức đưa Mỹ quay lại các thiết chế quốc tế và thỏa thuận mà ông Trump từng rút ra, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này thì phải đến tháng 1-2021 thì nhiệm kỳ ông Trump mới kết thúc và trao lại vị trí cho ông Biden.

Có thể nói số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran nói chung và Tehran nói riêng đều sẽ được đặt lên bàn cân trong thế giằng co giữa ông Trump và cộng đồng quốc tế quyết định trong năm tháng sắp tới.

Không thể bỏ qua nhân tố Iran

Dù các bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran phần lớn đều phụ thuộc vào tính toán và phản ứng của Mỹ, Iran thực chất không hề là một bên bị động. Nước này vào năm sau cũng sẽ diễn ra kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 5 hoặc tháng 6, do đó đương kim Tổng thống Hassan Rouhani đang chịu nhiều sức ép trong nước phải giữ vững lập trường cứng rắn với Washington.

Một số điều kiện khách quan khác buộc giới chức Iran phải đề cao cảnh giác là tình hình Trung Đông gần đây xuất hiện nhiều diễn biến căng thẳng với việc Israel tổ chức không kích nhiều mục tiêu ở Syria và sự xuất hiện của hai vụ nổ chưa rõ nguyên nhân ở Lebanon. Israel ngày 13-8 cũng công bố bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hình thành một gọng kìm kiểm soát Iran cùng với Mỹ.

“Nếu ông Rouhani quyết không nhượng bộ thì dù phía Anh, Pháp, Đức có nỗ lực thế nào cũng khó có thể cứu vãn được thỏa thuận” - bà Geranmayeh cảnh báo.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/thoa-thuan-hat-nhan-iran-my-doi-dau-voi-nhieu-nuoc-932982.html