Thỏa thuận Brexit: 'Những đốm lửa chờ bùng phát'

Thỏa thuận thương mại được mong chờ giữa Anh và EU vẫn để lại không ít lỗ hổng có thể làm dấy lên nhiều tranh cãi trong tương lai.

Hiệp định thương mại mới đạt được giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đem tới sự an tâm cho giới doanh nghiệp, ngăn cản khả năng gia tăng thuế cũng như viễn cảnh về sự chia tay không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào giữa London và đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Tuy nhiên, trang Bloomberg đăng tải, trái với kỳ vọng, hiệp định vẫn chưa giải quyết được các vấn đề chính hoặc để chúng đối mặt với nguy cơ tái bùng phát tranh cãi. Sau đây là một số điểm của thỏa thuận Brexit có thể tạo ra rắc rối trong tương lai.

(ảnh minh họa: Bloomberg)

(ảnh minh họa: Bloomberg)

Sân chơi công bằng

Một thỏa thuận liên quan tới sân chơi công bằng, thiết lập các điều kiện đáp ứng cạnh tranh công bằng giữa cho các doanh nghiệp – từng là một trong những phần khó khăn nhất của quá trình đàm phán Brexit. Những gì được thống nhất đồng nghĩa Vương quốc Anh không phải tuân theo luật pháp EU nhưng khối lại có thể áp dụng các thuế quan theo tỷ lệ (dưới sự phán xử của trọng tài) nếu có bằng chứng Anh vi phạm cạnh tranh công bằng.

Như vậy, câu hỏi về sự ngang hàng trong thương mại Anh-EU còn lâu mới có thể được giải quyết tận gốc và sẽ luôn là một vấn đề nóng. Một trong những tranh cãi chính của chiến dịch Anh rời EU là London sẽ "giành lại được quyền kiểm soát" luật pháp của riêng mình. Và các thành viên theo trường phái hoài nghi châu Âu trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi ông nắm bắt cơ hội phá vỡ các quy định ràng buộc.

Thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản "xem xét", theo đó mỗi bên có thể tái đàm phán theo định kỳ phần này của hiệp định nếu họ không hài lòng với cách nó được triển khai. Do vậy, thỏa thuận vẫn có thể bị đổ vỡ trong tương lai nếu Anh hoặc EU cho rằng mọi thứ không diễn ra theo như mong muốn.

Tài chính

Hiệp định mới đạt được không có nhiều thông tin rõ ràng cho các công ty tài chính. Vẫn chưa có quyết định về cái gọi là tính tương đương – cho phép các công ty bán dịch vụ của mình tới thị trường chung EU từ London. Thỏa thuận chỉ bao gồm các điều khoản về dịch vụ tài chính – có nghĩa là không đề cập tới các cam kết về gia nhập thị trường.

Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, Thủ tướng Johnson cho hay, thỏa thuận "có lẽ không được như chúng ta mong chờ" về các dịch vụ tài chính. Đây là lần hiếm hoi người đứng đầu chính phủ Anh lên tiếng thừa nhận những thiếu hụt trong chiến lược đàm phán Brexit của mình.

Bộ Tài chính Anh sẽ coi việc đàm phán một biên bản ghi nhớ với EU là vấn đề ưu tiên khẩn cấp trong năm 2021. Hôm Chủ nhật (27/12), Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói, London cũng sẽ tiếp tục thảo luận với Brussels về vấn đề gia nhập thị trường và tính tương đương cho các dịch vụ tài chính.

Dữ liệu

Anh và EU mới chỉ đạt được một giải pháp tạm thời cho dòng dữ liệu luận chuyển giữa các lãnh thổ của mình. Dữ liệu sẽ tiếp tục được truyền tải trong khoảng thời gian tối đa là 6 tháng cho tới khi các bên thống nhất được một hiệp định pháp lý riêng.

Theo giới chức EU, tới đầu năm 2021, họ hy vọng sẽ đàm phán thành công một quyết định về dữ liệu tương thích, trong đó xác nhận các tiêu chuẩn bảo hộ dữ liệu của Anh phù hợp với quy định của khối.

Đánh cá

Thỏa thuận thương mại Brexit bao gồm khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài 5 năm rưỡi cho ngành ngư nghiệp. Trong khoản thời gian này, đội tàu cá Anh có thể đánh bắt với tỷ lệ tương đương 25% khối lượng mà các tàu EU từng đánh bắt trên lãnh hải Anh trước đây. Sau đó, các bên sẽ tiếp tục đàm phán tỷ lệ hàng năm.

Nhượng bộ trên vấp phải sự giận dữ từ các ngư dân. Liên hiệp các Tổ chức Ngư dân Quốc gia gọi đó là sự "phản bội". Đánh cá là một trong những vấn đề cốt lõi của chiến dịch Brexit. Nó sẽ gây áp lực đòi hỏi chính phủ Anh phải thể hiện một lập trường cứng rắn trong các cuộc thương lượng tiếp theo.

Gibraltar

Vương quốc Anh và EU vẫn chưa đạt được thống nhất về Gibraltar – vùng lãnh thổ thuộc Anh nằm trên đất Tây Ban Nha. Do không có thỏa thuận, việc di chuyển qua biên giới sẽ trở nên khó khăn hơn, gây nên phiền hà cho người dân cũng như gián đoạn đáng kể lên kinh tế. Mỗi ngày có khoảng 15.000 công nhân qua lại biên giới giữa hai bên.

Bất kỳ nỗ lực nào của Tây Ban Nha nhằm làm giảm hoặc chấm dứt sự kiểm soát của London đối với Gibraltar đều nhận được sự phản đối dữ dội từ các nhà lập pháp bảo thủ Anh. Họ chắc chắn sẽ đấu tranh mạnh mẽ không để Anh phải chấp nhận bất kỳ nhân nhượng nào.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoa-thuan-brexit-nhung-dom-lua-cho-bung-phat-20201228101426829.htm