Thỏa thuận Brexit đi vào 'ngõ cụt'?

Đây là 'dấu hỏi lớn' trong cộng đồng quốc tế trước những diễn biến không mấy khả quan về tiến trình đàm phán thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về việc nước này rời EU (Brexit).

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Vương quốc Anh đã chính thức rời EU từ đầu năm nay và giai đoạn chuyển tiếp sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới. Đến nay, các vòng đàm phán thỏa thuận hậu Brexit dường như đã đi vào “ngõ cụt” khi không đạt được tiến bộ nào cho thấy sự hiện thực hóa thỏa thuận này. Đánh giá về quá trình đàm phán vừa qua, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, cả Anh và EU đều duy trì sự bảo thủ trên bàn đàm phán.

Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Thủ đô Brussels, Bỉ diễn ra tuần trước đưa ra kết luận rằng, Anh phải thực hiện các thỏa hiệp cần thiết để đạt được một thỏa thuận Brexit. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tái khẳng định cứng rắn rằng, không có lý do gì để tiếp tục các cuộc đàm phán trừ khi EU thay đổi lập trường của họ. Tuyên bố này tiếp tục khiến các thành viên EU quan ngại sâu sắc.

Mặc dù Hội nghị Thượng định EU dường như khép lại triển vọng đàm phán thì đầu tuần này, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã đề nghị tăng cường đàm phán. Động thái đẩy mạnh này dù được cho là tích cực khi thời hạn chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp Brexit đã cận kề, song, giới quan sát vẫn cho rằng, thỏa thuận Brexit vẫn khó khăn để có thể đạt được. Bản chất của sự bế tắc đàm phán là các bất đồng, thậm chí là đối lập về quan điểm lợi ích và sẽ chỉ có thể thay đổi tình thế khi một trong hai bên thay đổi lập trường của mình.

Trong khi Chính phủ Anh ngày càng có thêm nhiều hành động tiêu cực bởi sự thất vọng về cách tiếp cận của EU thì EU cũng cho thấy, Khối thiếu kiên nhẫn với Anh và nảy sinh hàng loạt vấn đề trong các vòng đàm phán. Cả hai bên vẫn chưa thể tìm được “tiếng nói chung” trong nhiều vấn đề chủ chốt như khai thác tài nguyên, nguyên tắc cạnh tranh, kết nối kinh tế, trợ cấp,...

Đánh giá về phương hướng của Anh, giới chuyên gia chính trị châu Âu nhìn nhận, Thủ tướng Johnson – người lãnh đạo tiến trình nước Anh rời EU có lập trường khá cứng rắn và có xu hướng Brexit “không thỏa thuận”. Trong tháng trước, ông Johnson bày tỏ quan điểm rằng, Anh có thể rời các cuộc đàm phán mà không có thỏa thuận Brexit, bởi đây là kết quả tốt cho nước Anh.

Anh rời EU kéo theo sự phá vỡ kinh tế khi Anh rời bỏ thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan của EU. Chính quyền Anh lâu nay thường khẳng định rằng, nước Anh là một quốc gia thịnh vượng và mạnh mẽ, có thể tự lực sánh ngang với các cường quốc và cả liên minh các quốc gia châu Âu, nên việc chia sẻ nguồn lực, lợi ích với các quốc gia khác sẽ kìm hãm nước này. Vì vậy, Thủ tướng Johnson khẳng định rằng, chính quyền của ông sẽ không đánh đổi lợi ích của quốc gia để đạt được thỏa thuận Brexit với EU. Đặc biệt, Anh rời EU vì không muốn bị ràng buộc bởi các quy tắc của EU nên thỏa thuận Brexit mà Anh tiếp tục phải tuân thủ và chịu sự kiểm soát của EU để có một “sân chơi bình đẳng” theo “luật chơi” của EU được xem là điều bất khả thi.

Ở chiều ngược lại, sự cứng rắn của Anh chắc chắn sẽ mang tới nhiều thiệt hại cho nước này, bởi EU cũng nắm trong tay quyền định đoạt cho hàng loạt lợi ích của Anh. Nếu hai bên ở thế đối đầu chắc chắn sẽ tạo ra những “cú sốc” kinh tế cho bản thân các bên và phá vỡ sự ổn định tại khu vực.

Việc hai bên nhượng bộ nhau được xem là “chìa khóa” để đạt được thỏa thuận Brexit. Sự nhượng bộ có thể sẽ phải thực hiện bởi cả hai bên đều muốn tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận. Không bên nào muốn phải chịu tổn thất quá mức cho phép khi thị trường châu Âu mất đi sự thống nhất, ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro tồi tệ. Nhất là khi dịch Covid-19 đang làm hằn sâu sự bất ổn của thế giới, EU và Anh đều đang phải “gồng mình” ứng phó với thực trạng suy thoái lịch sử nên một thỏa thuận Brexit hài hòa lợi ích được xem là “phao cứu sinh” cho cả hai bên.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thoa-thuan-brexit-di-vao-ngo-cut-post434396.html