Thơ viết trong ngày toàn thắng

46 năm đã trôi qua từ ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, âm hưởng của những ngày đại thắng mùa Xuân vẫn còn vang vọng đến hôm nay, còn náo nức lòng người đặc biệt là trong thi ca. Bản giao hưởng của ngày toàn thắng có nhiều cung bậc khác nhau, bè trầm, bè bổng, nhưng tất cả đều hội tụ cộng hưởng vào cái thời khắc thiêng liêng của lịch sử khi chiếc xe tăng quân giải phóng hất tung cánh cửa dinh Độc Lập- thành lũy cuối cùng của ngụy quân Sài Gòn.

Khi mà: “Cả Việt Nam tiến công cả miền Nam nổi dậy - Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng” trong cái khí thế: “Lịch sử sang Xuân anh vào trận cuối cùng - Đại lộ Hồ Chí Minh thác réo, quân đi cuồn cuộn” và: “Pháo hãy gầm lên đỏ nòng bắn thẳng - Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn” (Tố Hữu). Để tự hào ca vang điệp khúc: Toàn thắng về ta! Cái cảm giác kỳ diệu ấy cứ lâng lâng rạo rực lòng người với sự đổi thay đến bất ngờ. Dường như không kìm nén được xúc cảm của mình, nhà thơ Bằng Việt đã thốt lên những câu thơ từ tiếng lòng mộc mạc mà sâu lắng trong ngày 30-4 năm ấy: “Đi giữa phố khóc cười như trẻ nhỏ - Cái giây phút một đời người mới có - Thật đây rồi vẫn cứ ngỡ như mơ...”. Một chiến thắng kỳ vĩ như một huyền thoại, lung linh như một giấc mơ.

Trong không khí dạt dào của ngày vui đại thắng, nhà thơ Vương Trọng là một người lính có mặt tại Sài Gòn đã chụp được những cận cảnh bất chợt bằng tâm hồn thi sĩ của mình thật tinh tế và cảm động với một tư thế đỉnh đạc của người chiến thắng: “Cắm cờ lên đích cuối cùng - Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi - Cửa tròn vừa mở hé thôi - Nhô đầu ra ngập một trời tiếng ve”. Các địa hình chiến trận đã được xích lại gần nhau trong một trận đánh hiệp đồng quân binh chủng hiện đại. Và chỉ có trái tim người chiến sĩ giải phóng quân đã trải qua bao trận mạc, những cánh rừng Trường Sơn mới cảm nhận được cái tiếng ve da diết trong những rặng cây thành phố Sài Gòn ngày toàn thắng.

Ngày 30-4 giải phóng Sài Gòn trở thành bản giao hưởng chiến thắng sau những tháng năm hành quân chiến đấu quật cường với bao mất mát, với bao nhiêu máu, mồ hôi đổ xuống. Cái giá của độc lập tự do hòa bình thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Có phải vì thế chăng mà khi được thưởng thức một đêm nhạc giao hưởng giữa Sài Gòn giải phóng trái tim nhạy cảm của người lính thi sĩ Anh Ngọc lại xao xuyến rung lên những cung bậc sâu thẳm: “Cát bụi đường xa, khẩu súng ngọn cờ - Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng - Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng - Bổng trầm cung bậc tìm nhau”. Ôi tinh thần hòa hợp dân tộc ngay từ phút giây đó đã tìm được tiếng nói chung xúc động biết bao.

Trong ngày vui toàn thắng, các nhà thơ đã dành những câu thơ như nốt trầm xúc động, như tiếng vọng tâm linh ân tình khi viết về đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống không được chứng kiến ngày toàn thắng: “Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất - Chiếc bi đông chuyền tay cứu khát - Những vòm sao cao vút trên đầu - Cụm mây trắng tinh di động về đâu - Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi - Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng” (Ngô Thế Oanh). Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có những câu thơ nghẹn thắt trong ngày vui toàn thắng: ”Nếu tất cả trở về đông đủ - Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”. Đã có bao nhiêu đồng đội nằm lại chiến trường, bao lớp thay quân lính mới: “Tên tuổi chúng tôi rải rác khắp rừng cây - Rải rác dòng tên nơi đèo cao, vực thẳm - Người hy sinh và người còn sống - Cùng đứng trong đội ngũ sư đoàn”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh lại nhớ về những người “Mẹ Việt Nam anh hùng” đã: “Mẹ nén đau giấu tờ báo tử - Sáng mai lại tiễn con nhập ngũ - Bốn ngàn năm đất nước mấy khi yên”. Trong ngày vui toàn thắng chúng ta lại bồi hồi nhớ vị lãnh tụ kính yêu khi chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Hồ Chí Minh và thành phố sau giải phóng được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa chung với âm hưởng của hành khúc, ca khúc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thì lòng mỗi người ai cũng lắng lại trong giây phút hân hoan của lịch sử để nhớ về Bác Hồ trong thơ Tố Hữu: “Cho chúng con giữa vui này được khóc - Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già - Như lòng Bác mỗi khi Bác đọc - Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa”. Thưa Bác! Trưa ngày 30-4 mãi mãi sẽ đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi nhất trong thiên anh hùng ca dựng nước và giữ nước: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp - Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta - Chúng con đến xanh ngời ánh thép - Thành phố tên người lộng lẫy cờ hoa” (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).

Nguyễn Quốc Huy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tho-viet-trong-ngay-toan-thang-post439168.html