Thổ tự tin trỗi dậy: Thay thế tên lửa Mỹ...

Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước giảm phụ thuộc vào vũ khí Mỹ và thay thế những vũ khí tối tân nước này tự sản xuất.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo cho biết, tiêm kích F-16 của lực lượng này vừa sử dụng tên lửa đối không Bozdogan sản xuất trong nước đánh chặn thành công mục tiêu mục tiêu giả định trong cuộc diễn tập.

"Cuộc thử nghiệm được thực hiện với kịch bản đối phó với cuộc tấn công đường không từ bên ngoài. Ngay khi phát hiện và khóa mục tiêu, tiêm kích đã phóng Bozdogan. Tên lửa đã đánh trúng mục tiêu với độ chính xác tuyệt đối", Không quân Thổ cho biết trong một tuyên bố.

Tiêm kích F-16 Thổ phóng tên lửa tự sản xuất.

Tiêm kích F-16 Thổ phóng tên lửa tự sản xuất.

Nguồn tin này cho biết thêm rằng, trước khi có pha đánh chặn mẫu mực này, Bozdogan cũng đã thực hiện thành công nhiều vụ đánh chặn khác khi được phóng từ bệ cố định trên mặt đất.

Đây là những cuộc thử nghiệm cấp nhà nước trước khi đưa dòng tên lửa này vào trang bị. Những kết quả thu được của chương trình phát triển Bozdogan đã khiến không chỉ nhà sản xuất, Không quân mà cả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rất hài lòng.

"Khi chính thức được đưa vào trang bị, Ankara sẽ có trong tay loại vũ khí không một quốc gia nào có. Đặc biệt, loại tên lửa này sẽ thay thế đạn AIM-120 AMRAAM, AIM-9X do Mỹ sản xuất hiện đang phục vụ trong Không quân Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan tuyên bố.

Theo Drive, không chỉ AIM-120 AMRAAM và AIM-9X do Mỹ sản xuất đang dần bị thay thế tại Thổ mà ngày cả tên lửa chống hạm huyền thoại Harpoon của Mỹ cũng chịu cùng số phận trong Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cụ thể, trên những chiến hạm thế hệ mới lớp Milgem của Thổ, Harpoon bị thay thế bởi dòng tên lửa Atmaca (Hawk) do nhà thầu quốc phòng Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ tự nghiên cứu và phát triển.

Được biết, Atmaca là loại tên lửa chống hạm đầu tiên được Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất. Nó có thể lướt qua các con tàu trước khi bắn trúng và phá hủy bất kỳ chiến hạm nào nó ngắm đến.

Thoạt nhìn tên lửa Atmaca có nét khá giống tên lửa chống hạm Harpoon hoặc Kh-35 của Nga. Giống như các loại tên lửa khác, Atmaca được phóng ra từ ống phóng sử dụng động cơ tên lửa, giúp đẩy tên lửa di chuyển với tốc độ cao.

Sau khi kết thúc quá trình đẩy, động cơ phản lực sẽ được kích hoạt và giúp tên lửa bay tới vị trí mục tiêu. Nhờ tích hợp một radar đo độ cao nên tên lửa có thể bay ngay bên trên sóng biển dễ dàng để tránh bị bắn hạ khi tấn công kẻ thù. Roketsan chính thức phát triển tên lửa Atmaca từ năm 2009.

Tên lửa có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đạt hiệu quả cao trong việc chống các mục tiêu di chuyển và cố định trên biển. Tầm hoạt động tối đa của Atmaca được cho rơi vào khoảng 250km - tầm bắn này xa hơn nhiều AGM-84 Harpoon .

"Một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh cần phải có vũ khí tối tân do mình tự sản xuất để không bị phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài dù đó là những quốc gia vẫn được biết đến là đồng minh thân thiết.

Trong một số lĩnh vực chưa phải là thế mạnh của chúng tôi như vũ khí phòng thủ và chiến đấu cơ, Ankara sẽ tìm đến những đối tác tin cậy hơn và không bị tác động bởi các yếu tố chính trị", một thành viên của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Từ tuyên bố của vị đại diện của AKP cho thấy, đây chính là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết thực hiện thương vụ hệ thống đánh chặn S-400 của Nga bất chấp việc Mỹ và một số thành viên NATO đe dọa áp trừng phạt.

Ngoài ra, hiện Không quân Thổ cũng đang tiến hành đàm phán với phía Nga về thương vụ chiến đấu cơ. Hiện chưa rõ thành viên NATO này đang muốn mua tiêm kích Su-35 hay chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/tho-tu-tin-troi-day-thay-the-ten-lua-my-3430744/