'Thơ thiếu nhi cũng chứa đựng chiều sâu về cuộc sống và hạnh phúc'

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên qua tuổi 40 mới bắt đầu cầm bút. Tự nhận mình có chút rụt rè trong tính cách, nhưng các tác phẩm của chị lại khiến nhiều độc giả rung cảm. Bởi, độc giả như được chạm vào một thế giới vừa lạ vừa quen: hạnh phúc gia đình, thiên nhiên, cuộc sống và những niềm vui trong trẻo...

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên

PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Huỳnh Mai Liên, nghe chị kể về những câu chuyện bình dị trong đời sống thường nhật và niềm vui khi cầm bút của mình.

PV: Thưa chị, mối duyên nào đã đưa chị đến với thơ và vì sao chị chọn “mảnh đất” thơ thiếu nhi để gắn bó?

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên: Từ khi còn là một nữ sinh khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi đã tập tành sáng tác. Hồi đó tuổi mới lớn nên toàn viết những bài thơ tình mơ mộng. Sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn viết theo cảm xúc của mình, nhưng hoàn toàn ngẫu hứng và chẳng bao giờ công bố.

Có lẽ từ khi làm mẹ, đi qua nhiều trải nghiệm thiêng liêng, tình cảm của một người mẹ đã đưa tôi đến với thơ thiếu nhi. Khởi đầu là những bài thơ đặt hàng của chương trình “Lớp học Cầu vồng”, kênh VTV7 cùng tập thơ đầu tay "Biển là trẻ con" năm 2016. Sau đó, mạch cảm xúc tiếp tục dẫn dắt tôi sáng tác những bài thơ thiếu, và đó là kết quả của tập thơ thứ hai vừa ra mắt - "Ngày xưa của con" (NXB Hội Nhà văn).

Được biết, con cái là nguồn cảm hứng lớn khi chị sáng tác. Chắc hẳn, nguồn cảm hứng ấy đã dẫn dắt chị đến với những cảm xúc và suy nghĩ thú vị?

Hai đứa con với biệt danh Ong và Sóc đã dắt tay tôi bước vào không gian của tuổi thơ một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Những cuộc trò chuyện giữa mẹ và con, tình yêu của những đứa con dành cho mẹ là nguồn cảm hứng dường như bất tận trong tôi. Nhiệm vụ của tôi chỉ là ghi lại những cảm xúc trong trẻo ấy qua những bài thơ nhỏ.

Mọi điều các con nhắc tới như thiên nhiên, loài vật... đều trở thành những "người bạn" đáng yêu. Khi đó, tôi nhìn thế giới xung quanh bằng cặp mắt của các con mình: "Như là tia nắng/ Vàng mơ đầu ngày/Như là lúc này/Chồi non hé mắt/Như là mặt đất/Gọi mầm vươn vai" (trích bài thơ “Như là”).

Là một người lớn, chị học được điều gì qua lăng kính trẻ thơ?

Trước khi sáng tác thơ thiếu nhi, tôi thường nghĩ đó là những bài thơ có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc. Nhưng khi viết khoảng hơn 100 bài thơ, tôi nhận ra trong đó là cả một thế giới và thơ thiếu nhi cũng chứa đựng chiều sâu về cuộc sống, về hạnh phúc.

Khi quan sát những bạn nhỏ, tôi luôn cảm phục tính phát hiện và góc nhìn mới mẻ về mọi vật, mọi việc xung quanh. Chẳng có gì là cũ kỹ, đơn điệu với trẻ em, như câu thơ về hạt mưa mà tôi rất thích "Hình như ngoài hiên/Tiếng gì lách cách/Hay nhà có khách/Còn đợi mời vào?" (trích bài thơ “Hạt mưa ghé chơi”).

Chọn con đường làm thơ, viết kịch bản phim hoạt hình, có phải tâm hồn chị “màu hồng” hơn người thường?

Tôi không có gì đặc biệt và là một người có xu hướng khép mình. Trong tôi luôn có một góc nhỏ là một cô bé mãi không chịu lớn. Có lẽ điều này là một trong những lý do đưa tôi đến với thơ thiếu nhi. Tôi không rõ trong con mắt mọi người như thế nào, nhưng bạn thân của tôi nhận xét tôi là người sống không thực tế cho lắm!

Tập thơ "Ngày xưa của con" (NXB Hội Nhà văn)

Gia đình và bạn bè có bất ngờ khi chị ra mắt thơ hay không? Đã ai không hiểu chị và cho rằng phụ nữ nên dành thời gian chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa, đối nội đối ngoại... chứ làm thơ nhỡ... hâm?

Mọi người đều rất ngạc nhiên khi thấy tôi viết thơ, vì thấy trước đó có bao giờ thấy tôi sáng tác. Ba mẹ tôi rất vui khi mỗi tập thơ ra mắt. Mọi người thường nghĩ nhà thơ là lãng đãng, mơ mộng, nhưng công việc chính của tôi là một biên tập viên truyền hình, khối lượng công việc rất nhiều, và việc chăm sóc hai đứa con cũng lấy gần hết thời gian mỗi ngày. Đôi lúc tôi cũng ngạc nhiên khi mình và thơ có thể "lách" tài tình giữa những bộn bề đó.

Mặc dù làm thơ, viết kịch bản cần nhiều sáng tạo và cảm xúc ngẫu hứng, nhưng để theo con đường viết dài lâu, chắc hẩn chị đã tự tạo kỷ luật cho mình để không bị xao nhãng hay nản chí?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một người viết chuyên nghiệp. Nhưng từ khi cuốn thơ thứ hai ra mắt, tôi hiểu rằng mình cần phải nghiêm túc hơn chứ không chỉ dựa vào cảm xúc như trước đây. Tôi thường viết vào lúc sáng sớm, khi cả nhà còn đang ngủ, chỉ đôi khi cảm xúc đến bất chợt mới phải tranh thủ viết, ví dụ như khi cả nhà vừa ăn xong, cả khi đang rửa bát...

Mọi người thường nói làm thơ để giải trí, để cân bằng cuộc sống, nhưng với tôi đó là những giây phút khá "cân não" để lựa chọn những con chữ để nói lên suy nghĩ của mình. Vì thế, không phải có lúc mệt mỏi, không khỏi có lúc tự hỏi mình: “Viết để làm gì cho người yếu xìu như thế? ...” Rồi, vì yêu thích, tôi lại tự xốc tinh thần để thực sự mang tới hơi thở nhẹ nhõm, trong trẻo khi ngồi làm thơ.

Và phía sau hai tập thơ ra mắt, tôi luôn có sự đồng hành của những người bạn, trong đó có một người rất quan trọng. Tôi luôn tin tưởng vào sự thẩm định và góp ý của bạn mình để cố gắng hơn trên con đường sáng tác.

Đã viết với một niềm say mê, vậy chị muốn gửi gắm thông điệp gì tới độc giả thông qua những sáng tác của mình?

Với tôi, thơ thiếu nhi là một góc nhìn riêng về cuộc sống. Những bài thơ nhỏ của tôi như câu chuyện tình yêu giữa mẹ và con, con và mẹ, gia đình, ông bà... và những điều giản dị xung quanh. Khi viết thơ, tôi luôn cảm nhận tình yêu thương là điều thật quan trọng, trẻ em lớn lên trong tình yêu thương thì sau này sẽ biết yêu thương mọi người. Bản thân tôi, khi viết thơ, tôi cũng học cách yêu thương nhiều hơn nữa...

Tập thơ “Ngày xưa của con” của tác giả Huỳnh Mai Liên gồm 50 bài thơ về gia đình, cuộc sống xung quanh cũng như tình yêu dành cho thiên nhiên. Tất cả được nhìn dưới lăng kính của trẻ thơ.

Điểm đặc biệt trong cuốn sách này, có khoảng 15 bức tranh minh họa do bé Mai Khuê (biệt danh: Ong) - con gái lớn của tác giả thực hiện. Ý định sử dụng tranh nảy ra sau khi người biên tập cuốn sách tình cờ xem các tác phẩm của bé. Tác giả Huỳnh Mai Liên tiết lộ, một số bài thơ của chị ra đời nhờ lấy cảm hứng từ tranh vẽ của con gái.

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tho-thieu-nhi-cung-chua-dung-chieu-sau-ve-cuoc-song-va-hanh-phuc/774749.antd