Thơ thiền và những cái nhất

Sáng 28/8 tại Thư viện Tổng hợp TPHCM diễn ra buổi ra mắt cuốn sách 'Thơ thiền Lê - Nguyễn' do Nguyễn Bá Chung chủ biên và dịch thơ, Nguyễn Duy dịch thơ, Sam Hamill dịch sang tiếng Anh. Buổi ra mắt thu hút nhiều nhà thơ, dịch giả và trí thức. Cuốn sách khá đặc biệt vì ra đời từ một nhóm những người yêu thơ thiền tự bỏ kinh phí để in ấn.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong buổi ra mắt sách Thơ thiền Lê - Nguyễn

Nhà thơ Nguyễn Duy trong buổi ra mắt sách Thơ thiền Lê - Nguyễn

Món quà quý

Dịch giả Nguyễn Bá Chung hiện làm việc tại Mỹ, không về dự được buổi ra mắt sách nhưng đã gửi bài phát biểu qua email, viết: “Alan Watts trong tác phẩm Con đường thiền quán (The Way of Zen) đã viết Thiền là một trong những món quà quý giá nhất của Á châu tặng cho thế giới”. Ông Nguyễn Bá Chung cho rằng: “Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, đã song hành với dân tộc trên một ngàn năm lịch sử, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa đã trở thành mạch sống của dân tộc”.

Dịch giả Nguyễn Bá Chung và Nguyễn Duy cùng thực hiện cuốn Thơ thiền Lý - Trần in năm 2005, và sau 12 năm giờ đây họ cùng in cuốn thứ hai Thơ thiền Lê - Nguyễn. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết ông Nguyễn Bá Chung làm việc với phần văn bản chữ Hán nhiều hơn. Nguyễn Duy dịch thơ. Con trai của Nguyễn Duy là Nguyễn Duy Sơn trình bày, thiết kế cung cấp ảnh minh họa không chỉ cho các cuốn sách mà cho cả các cuộc triển lãm.

Cuốn thơ thiền Lý - Trần đã được Ban tổ chức Đại lễ Phật giáo Vesak năm 2008 chọn để trao tặng cho khách mời. “Thủ tướng Phan Văn Khải khi sang Mỹ cũng liên lạc với chúng tôi để mua 4 cuốn phiên bản đặc biệt trưng bày tại Mỹ”- nhà thơ Nguyễn Duy kể.

Quá trình in cuốn sách cũng trải qua những biến động khi nhà thiết kế Nguyễn Duy Sơn bị bạo bệnh qua đời. Dịch giả Mỹ Sam Hamill mất năm 2018 và cuốn sách Thơ thiền Lê - Nguyễn được đề tặng: “Để tưởng nhớ nhà thơ Sam Hamill, một thi sĩ xuất sắc, một dịch giả kiệt xuất của văn học phương Đông”.

Nhiều cái nhất

Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết, ông không phải là người thích các kỷ lục, nhưng khi làm các cuốn thơ thiền ông đã tạo ra không ít những cái nhất. Đầu tiên đó là ấn bản thơ thiền in trên giấy dó lớn nhất. “Tôi đã bỏ 7.000 USD vào thời điểm năm 2005 để in tập thơ trên giấy dó. Giờ đây cái máy in ấy đã bán cho đồng nát”. Bản in độc bản trên giấy dó khổ lớn được tháo rời từng trang để triển lãm trong và ngoài nước. Nhà thơ Nguyễn Duy mặc áo bào nhà vua để giới thiệu về cuốn sách.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Nxb Hội Nhà văn, nơi in cuốn Thơ thiền Lê - Nguyễn phát biểu: “Văn hóa Việt Nam luôn đứng trước mối đe dọa bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại bang. Việc bảo tồn phát triển văn hóa, thi ca dân tộc, trong đó có thơ thiền Việt Nam là rất ý nghĩa. Chúng tôi luôn ủng hộ và đánh giá cao việc làm tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Duy”.

Nguyễn Duy cho biết: “Cuộc ra mắt sách thơ thiền Lý - Trần tại Văn Miếu vẫn là buổi ra mắt sách lớn nhất từ trước tới nay về cả quy mô lẫn người tham dự. Thơ thiền khi đó được treo khắp Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Buổi ra mắt tại TPHCM cũng thu hút đông người tham dự nhất”. Rất hiếm khi sách in ra đồng thời là một triển lãm văn bản và giao lưu độc giả. “Chúng tôi hoàn toàn bỏ tiền túi, không xin nhà tài trợ nào!” - Thi sĩ Nguyễn Duy chia sẻ.

Tuyển tập thơ thiền đầu tiên được in năm 2005 khi Nguyễn Duy khá rủng rỉnh tiền bạc, thời ông in lịch thơ Nguyễn Duy bán rất chạy. Lần này chi phí tốn kém của cuốn sách khiến quy mô buổi ra mắt sách khiêm tốn hơn, nhà thơ Nguyễn Duy tiết lộ: “Tập này chúng tôi chỉ in 500 cuốn và không có tham vọng bán sách, mà sách cũng không có nhiều để bán”. Giá bìa sách Thơ thiền Lê - Nguyễn là 300.000 đồng.

Một khán giả, là tiến sĩ khoa học tự nhiên yêu thơ đã phát biểu trong lễ ra mắt cuốn Thơ thiền Lê - Nguyễn: “Thế hệ chúng tôi và con cái chúng tôi ít người đọc được văn bản Hán Nôm. Ngoài ra, các bản dịch cũ cũng khá khó đọc bởi văn phong cổ. Nhà thơ Nguyễn Duy in những cuốn sách thiền với bản dịch mới thế này, giúp cho thơ thiền sống lại trong đời sống hôm nay”.

Thơ văn Việt Nam từ thờ Lý đến nay được in ấn dịch nghĩa, dịch thơ rất nhiều, hầu hết các tác phẩm quan trọng đều đã được dịch in. Song, có lẽ ít có một tập thơ cổ nào lại được dịch thơ sang thơ lục bát như Thơ thiền Lê - Nguyễn. Cả Nguyễn Bá Chung và Nguyễn Duy đều chọn giải pháp dịch thơ thất ngôn sang thơ lục bát.

Câu thơ thất ngôn của Hồ Xuân Hương: “Bạch lộ hoành giang thủy tiếp thiên/Tùng lâm nhất thốc cách vân yên” được Nguyễn Duy “lục bát hóa” như sau: “Cò trắng sông, nước nối trời/ Tùng lâm nhất cảnh tuyệt vời khói mây”.

Hay câu thơ thất ngôn của Ngô Thì Nhậm: “Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên/ Kim thu thôn tự nhất tham thiền”, được Nguyễn Duy dịch sang lục bát là: “Năm năm bèo dạt mây trôi/ Thu nay về tọa thiền nơi chùa làng”.

Tranh luận thế nào là thơ thiền?

Tập Thơ thiền Lê - Nguyễn đưa vào rất nhiều thơ của các nhà thơ nổi tiếng với tư cách là những bài thơ thiền. Một câu hỏi được đặt ra đó là “Thế nào là thơ thiền?”, hay “Một bài thơ như thế nào thì gọi là thơ thiền”?

Người đọc sẽ thấy rất lạ tai khi nghe đến thơ thiền của Hồ Xuân Hương, thơ thiền Nguyễn Du, thơ thiền Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm… những tác giả này đều có mặt trong tập Thơ thiền Lê - Nguyễn. Một bài thơ chủ đề Phật giáo thì có phải thơ thiền hay không? Vãn cảnh một ngôi chùa có phải là một bài thơ thiền hay không (Chẳng hạn bài Du phổ Minh Tự- Chơi chùa Phổ Minh, của Nguyễn Bỉnh Khiêm) - nhất là trong bối cảnh Phật giáo thời Lê không còn hưng thịnh như các thời trước? Vậy đâu là tiêu chí chọn thơ của nhóm tác giả làm cuốn tuyển tập? Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: “Nếu đưa ra những tiêu chí cụ thể thế nào là một bài thơ thiền thì rất khó và xưa nay cũng chưa có ai đưa các tiêu chí như thế cả. Chúng tôi lựa chọn thơ dựa trên tinh thần của bài thơ, đó là tinh thần độc lập, không phụ thuộc, luôn làm chủ được bản thân trong mọi hoàn cảnh”.

Hòa thượng Thích Phước An trong lời giới thiệu cuốn sách cũng không đưa ra định nghĩa về thơ thiền mà cho rằng: “Một nhà nghiên cứu và một nhà thơ cùng hợp tác với nhau để dịch thì theo thiển ý của tôi, tập thơ đó chẳng những nghiêm túc về chữ nghĩa mà còn tràn đầy tinh thần thơ ca nữa”.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương - một trí thức và cũng là một Phật tử nói: “Người theo Phật giáo có thể thiền định ngay cả khi họ rửa bát nói gì đến lúc làm thơ. Tôi ủng hộ Nguyễn Duy làm tập thơ thiền này và mong mọi người quan tâm hơn đến thiền học trong xã hội hiện đại”.

Bìa sách

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tho-thien-va-nhung-cai-nhat-1457918.tpo