Thợ săn tình nhân ăn nên làm ra

TP - Khi phát hiện chồng lừa dối mình, chị Wang không chọn cách ly dị mà thuê đội săn tình nhân để tiếp cận và khiến tình địch tự từ bỏ.

Một 'thợ săn tình nhân" đang tác nghiệp.

Mối quan hệ ngoài luồng của chồng chị Wang kéo dài nhiều năm, nhưng khi đội săn tình nhân vào cuộc, quan hệ đó chấm dứt chỉ 2 tháng sau đó. Wang nói rằng, chị đã trả gần 500.000 nhân dân tệ (gần 1,7 tỷ đồng) cho dịch vụ này. “Tôi nghĩ cái giá đó rất đáng, tôi rất hài lòng”, chị Wang nói. Xử lý xong vấn đề của mình, chị Wang đang nghĩ đến chuyện sẽ trở thành một tay săn tình nhân. “Với cách đó, tôi có thể giúp những phụ nữ khác bảo vệ gia đình và quyền của họ”, chị nói.

Công ty mà chị Wang thuê là Weiqing (nghĩa là “bảo vệ cảm xúc”) đã có 59 văn phòng khắp Trung Quốc, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí. Người sáng lập Shu Xin cho biết, ông đang có 300 “đặc vụ” dưới quyền. “Mục tiêu của tôi là ngăn chặn ly dị. Mỗi năm chúng tôi cứu vãn được 5.000 cặp vợ chồng”, ông nói.

Thợ săn tình nhân chủ yếu là phụ nữ, đều tốt nghiệp ngành tâm lý học, xã hội học hoặc luật. Họ dành 3 năm học hỏi trước khi được cử ra thực tế, để đóng vai trò như người hàng xóm, người lau dọn, người trông trẻ… Chị Ming Li, 47 tuổi, làm công việc này được 3 năm. “Tôi già hơn các tình nhân, nên nói chung họ hay nghe lời tôi”, chị nói. “Nếu các tình nhân đi công viên, đi siêu thị hay đi làm, tôi tìm cách bắt quen với họ. Ngay cả khi họ ở nhà, tôi cũng có thể làm quen bằng cách nói với họ rằng, nhà tôi bị rỉ nước và nhờ họ giúp. Chúng tôi luôn tìm ra cách bắt đầu liên lạc”, chị Ming tiết lộ.

Một lần, người phụ nữ này vờ làm thầy bói, và cô tình nhân đã nhờ chị xem bói. “Tôi đã biết rõ về cô ta từ thông tin người vợ cung cấp, nên tôi dễ lừa cô ấy và phán cô ấy cần rời bỏ người tình. Đó là một trong bốn vụ được giải quyết nhanh chóng nhất”, chị kể.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn tăng từ 1,59% trên 1.000 dân lên 2,67% trong giai đoạn 2007-2014, theo số liệu cập nhật nhất của chính phủ Trung Quốc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với ở châu Âu (1,9% ở Pháp, 0,9% ở Ý). Tại Bắc Kinh, số liệu chính thức cho thấy, 73.000 cặp vợ chồng ly hôn trong năm 2015, cao gần gấp 3 lần con số của 9 năm trước đó.

Theo một nghiên cứu do trang hẹn hò Baihe thực hiện, ít nhất một trong hai vợ chồng trong số 50% các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc không chung thủy. Hơn 21% các ông chồng có tình nhân, còn tỷ lệ ở các bà vợ là 20%. Trong gần 9% trong các cuộc hôn nhân lần đầu, cả vợ và chồng đều lừa dối nhau. “Không chung thủy trong thời buổi này rất dễ, đặc biệt với internet”, Pan Xingshi, giám đốc một công ty tư vấn trực tuyến, nói về trang hẹn hò Tantan (tương tự ứng dụng Tinder).

Tuy nhiên, các cô nhân tình vẫn bị đánh giá thấp và những đứa con ngoài giá thú vẫn bị xã hội kỳ thị. Họ bị gọi là “tiểu tam” - cụm từ mang nghĩa một người thứ ba có thứ hạng thấp hơn vợ. Nhiều khi các cô trở thành nạn nhân của những vụ đánh ghen bẽ bàng. “Bồ bịch là chuyện toàn cầu. Nhưng hoàn cảnh điển hình ở Trung Quốc là các ông chồng giàu có thuê những căn hộ sang trọng, mua xe và đồ xa xỉ cho nhân tình”, ông Shu nói. “Một số phụ nữ không muốn ly dị vì sợ sẽ mất chỗ dựa tài chính. Họ chỉ muốn người tình của chồng bỏ đi. Đó là lúc chúng tôi vào cuộc”, ông Shu cho biết.

Quy trình thực hiện những cuộc săn tìm như vậy rất tốn kém. Những tay săn nhân tình thường phải thuê nhà tương ứng và phải mua quần áo, đồ trang sức đắt tiền để thiết lập quan hệ với mục tiêu. “Chúng tôi được trả rất nhiều tiền. Nhưng chúng tôi cũng có nhiều rủi ro, vì nếu thất bại, chúng tôi phải hoàn trả hết chi phí”, ông Shu nói.

Theo luật Trung Quốc, hoạt động của Weiqing và những công ty tương tự không phạm pháp, nhưng cũng vấp phải một số rào cản. “Xâm phạm đời tư, quan hệ giữa tình nhân và người điều tra dựa trên sự lừa dối. Rủi ro là cảm xúc của đối tượng sẽ bị tổn thương”, ông Shu giải thích. Chị Ming có một giải pháp. “Đôi khi tôi giúp cô tình nhân tìm bạn trai. Đó là cách tôi giúp cô ấy hạnh phúc”, chị nói.

Theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/tho-san-tinh-nhan-an-nen-lam-ra-1047972.tpo