Thổ ra điều kiện đánh đố, Syria phải chiến đấu sống còn?

Điều kiện rút quân của Ankara là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria và Damascus sẽ phải mở cuộc chiến chống ngoại xâm?

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện rút quân khỏi Syria

Người đứng đầu Trung tâm Hòa giải các bên tham chiến ở Syria (của Nga) là Thiếu tướng Yuri Borenkov hôm 30/10 đã nói rằng, phía Nga đã hoàn toàn tuân thủ các điều khoản của bản ghi nhớ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được hai vị Tổng thống Vladimir Putin và Recep Tayip Erdogan ký kết ở Sochi.

"Phía Nga đã thực hiện đầy đủ các biện pháp được quy định bởi các điều kiện của Bản ghi nhớ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22 tháng 10 năm 2019" về việc ngừng bắn trong 150h để rút lực lượng người Kurd khỏi các khu vực biên giới Syria - ông Yuri Borenkov nói.

Do kết quả cuộc đàm phán kéo dài sáu giờ vào ngày 22 tháng 10, tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một bản ghi nhớ gồm 10 điểm, với sự tham dự của hai vị Ngoại trưởng hai nước.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, hai bên đồng ý rằng, từ 12h00 ngày 23 tháng 10 năm 2019, các đơn vị của cảnh sát quân sự Nga và lực lượng biên phòng Syria vào khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài khu vực Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình".

Lực lượng Nga và Syria được cho là sẽ tạo điều kiện cho việc rút lực lượng vũ trang người Kurd là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) và vũ khí của họ từ các cứ điểm giáp biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, vào sâu trong nội địa 30 km, với thời hạn chót vào ngày 29 tháng 10.

Từ thời điểm này, cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ở độ sâu 10 km từ biên giới sang phía tây và phía đông của khu vực hoạt động "Mùa xuân Hòa bình", ngoại trừ thành phố Qamishli thuộc tỉnh al-Hasakah hiện vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của Quân đội Syria.

Cũng trong ngày 29/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu điều kiện để triệt thoái các chiến dịch quân sự của nước này và rút quân đội khỏi Syria.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại Syria cho đến khi các lực lượng chính phủ có thể bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ của mình trước “những kẻ khủng bố”.

Ông Cavusoglu cho biết trong cuộc họp báo ngắn sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Nga và Iran rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và không có tham vọng xâm chiếm bất cứ tấc đất nào của đất nước láng giềng.

Ông nhấn mạnh, đến cuối quá trình chính trị, nếu chính quyền Syria đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ của đất nước và có thể quét sạch các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ của mình, thì toàn bộ lãnh thổ của đất nước sẽ được chuyển giao cho chính quyền Damascus, vì đây là lãnh thổ của Syria.

Xe thiết giáp Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành quân trong lãnh thổ Syria

Xe thiết giáp Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành quân trong lãnh thổ Syria

Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ là sự đánh đố?

Như vậy, thực chất là Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu 2 điều kiện với chính quyền Syria; đó là: “có khả năng tự bảo vệ lãnh thổ của đất nước” và “có thể quét sạch các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ của mình”.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nghe ra có vẻ rất là công bằng và chính trực, nhưng thực tế sẽ không đơn giản như những gì ông Cavusoglu đã nói.

Trong điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ, “tự bảo vệ lãnh thổ của đất nước” là điều chính quyền và Quân đội Syria hoàn toàn có thể làm được với sự giúp đỡ của Nga, nhưng yêu cầu “có thể quét sạch các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ của mình” lại là một con dao hai lưỡi.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, nội hàm “các tổ chức khủng bố” hiện nay bao gồm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng vũ trang người Kurd (Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG) và cánh chính trị của họ là Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD); nhưng đối với chính quyền Damascus, chính nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn để tiến hành chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" là Quân đội Quốc gia Syria (SNA) (thực chất là Quân đội Syria Tự do – FSA), mới là nhóm khủng bố.

Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ như vậy thì thực chất là họ đã chính thức bảo kê cho FSA trước sự tấn công của Quân đội Syria (SAA), đỡ đầu cho lực lượng chống chính quyền hợp Hiến của ông Assad.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu Syria phải “thanh lọc” hay “quét sạch” người Kurd – một dân tộc thiểu số ở Syria, có quyền sinh sống ở trên đất nước của mình.

Nếu chính quyền của ông Assad làm điều này thì họ đã đi ngược lại con đường đoàn kết, hòa hợp dân tộc, gây ra mâu thuẫn trong lòng đất nước, từ đó sẽ tiếp tục làm nảy sinh biến loạn. Do đó, chắc chắn là Syria sẽ không chấp nhận và không thực thi điều kiện này.

Như vậy, thực ra điều kiện mà Ankara đưa ra cho chính quyền Damascus là điều không được chấp nhận và không bao giờ được thực hiện.

Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa ra những điều kiện đánh đố Syria để tạo cớ cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiện diện vĩnh viễn trên đất nước này?

Nếu vậy, đất nước và nhân dân Syria sẽ còn phải tiến hành một cuộc chiến tranh cuối cùng, đó là “cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ!”.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-ra-dieu-kien-danh-do-syria-phai-chien-dau-song-con-3390465/