Thở phào… nhưng chưa nhẹ nhõm

Giáo dục là một trong những lĩnh vực nhận nhiều lời ta thán mỗi khi có hội nghị góp ý cho đầu tư nước ngoài. Một quy định mới vừa ra đời, có hiệu lực từ ngày 1-8-2018, giải quyết được bao nhiêu phần trăm những than phiền này?

Nhà đầu tư thường than gì?

Học sinh trường quốc tế trong giờ học STEM. Ảnh: T.L

Nhưng có lẽ trước hết cần điểm lại những vấn đề gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trước đây được điều chỉnh bởi Nghị định 73/2012. Một trong những điểm được nhắc nhiều nhất là quy định cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép tuyển học sinh Việt Nam nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

Quy định này còn có thể hợp lý ở thời kỳ các trường quốc tế mở ra chủ yếu cho con em nhà đầu tư hay nhà ngoại giao nước ngoài. Sau này có những nhà đầu tư FDI muốn mở các trường quốc tế nhắm đến học sinh Việt Nam nhưng xem như bó tay vì hạn mức này. Ở các trường quốc tế nổi tiếng thường học sinh người Việt phải xếp hàng đợi hạn ngạch; đến nỗi có trường bày phụ huynh cho con em tạm lấy quốc tịch Campuchia để vào học cho nhanh!

Thế nhưng với nhà đầu tư, điều gây bức xúc cho họ nhất là thủ tục nhiêu khê khi thành lập một cơ sở giáo dục, bất kể đó chỉ là chi nhánh một trung tâm ngoại ngữ hay một trường đại học bề thế. Nhà đầu tư phải xin cho được ba loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động), với những hồ sơ và thủ tục trùng lắp nhau. Mỗi loại giấy phép phải đi qua nhiều cửa thẩm định, mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, đọc tin tức thời sự, có lúc chúng ta nghe trường Đại học Fulbright được cấp giấy phép đầu tư, một thời gian sau lại nghe Fulbright được trao giấy phép thành lập và thêm một thời gian nữa trường này mới có giấy phép hoạt động.

Với nhà đầu tư, điều gây bức xúc cho họ nhất là thủ tục nhiêu khê khi thành lập một cơ sở giáo dục. Nhà đầu tư phải xin cho được ba loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động), với những hồ sơ và thủ tục trùng lắp nhau.

Ở đây vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước cũng là nỗi đau đầu của nhà đầu tư: họ phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được cấp phép nhưng chưa có giấy phép mà tuyển giáo viên, thuê hay xây cơ sở dạy học về để đó rất lãng phí, tốn kém. Tuyển giảng viên có ít nhất năm năm kinh nghiệm đã khó, phải trả lương đầy đủ cho họ khi chưa có giấy phép hoạt động, tức chưa có doanh thu càng khó hơn.

Nghị định 73 cũ cũng có những yêu cầu cao về vốn đầu tư, về chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Các yêu cầu này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người học nhưng đôi lúc không mang tính thực tế. Điều 31 quy định: “Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có năm năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy”. Với giảng viên đại học, yêu cầu có năm năm kinh nghiệm nghe còn tương đối chấp nhận được nhưng với một trung tâm ngoại ngữ, nhiều lúc phải tuyển người bản ngữ làm thêm để kiếm thêm thu nhập thì lấy đâu ra từng ấy năm kinh nghiệm.

Thật ra yêu cầu này đã được sửa đổi vào cuối năm 2014 (bằng Nghị định 124), bỏ điều kiện phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trường mầm non, trường phổ thông.

Giải quyết đến đâu?

Nghị định 86/2018, có hiệu lực từ đầu tháng này, được kỳ vọng giải quyết hết mọi nỗi băn khoăn của nhà đầu tư, nhất là sau các góp ý của nhiều tổ chức và lời hứa hẹn của các quan chức giáo dục. Thế nhưng có thể thấy cách giải quyết là chưa triệt để, chẳng hạn, quy định hạn chế số lượng học sinh Việt Nam tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài (từ mầm non đến trung học phổ thông) được nâng lên, từ 10% hay 20% lên thành không quá 50% chứ không phải gỡ bỏ hoàn toàn.

Hay thủ tục thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được đơn giản hóa nhưng chỉ cho cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (chỉ còn hai bước: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp phép hoạt động giáo dục). Các trường khác, từ mầm non đến đại học vẫn phải áp dụng quy trình ba bước: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, xin cấp quyết định thành lập và xin cấp phép hoạt động giáo dục.

Thật ra khi xin thành lập một trường đại học, đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trên cơ sở tờ trình của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan. Bước này là quan trọng nhất vì phải đi qua các cửa quan trọng; không biết vì sao sau đó phải làm lại các thủ tục tương tự để thực hiện quy trình ba bước nói trên.

Cũng như quy định cũ, Nghị định 86 cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông có nhận học sinh Việt Nam phải dạy những nội dung bắt buộc (từ các môn lịch sử, địa lý, tiếng Việt). Tuy nhiên, cái mới là nghị định sử dụng cụm từ “nội dung bắt buộc” thay vì “môn học bắt buộc” giúp các trường có thể linh hoạt lồng ghép nội dung các môn thay vì có giờ dạy riêng các môn bằng tiếng Việt.

Có một số nội dung Nghị định 86 nâng cao yêu cầu so với trước. Chẳng hạn trước đây quy định tỷ lệ tiến sĩ trên giảng viên của các trường đại học có vốn nước ngoài chỉ là 35% thì nay tăng lên 50%. Vốn của các trường đại học trước đây chỉ cần 300 tỉ đồng thì nay được nâng lên thành 1.000 tỉ đồng (không bao gồm chi phí sử dụng đất) cho tương xứng với yêu cầu về vốn đối với các trường đại học trong nước. Nặng nhất là quy định “Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỉ đồng”. Trong khi diện tích đất tối thiểu của các trường đại học tư trong nước phải đạt 5 héc ta thì trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài không chịu ràng buộc này, chỉ trừ quy định: “Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 mét vuông/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất”.

Nguyễn Vạn Phú

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276352/tho-phao%E2%80%A6-nhung-chua-nhe-nhom-.html