Thổ Nhĩ Kỳ 'xuống thang' kêu gọi Hy Lạp đàm phán về tranh chấp khí đốt

Ngày 25/8, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hy Lạp mà không cần 'điều kiện tiên quyết' về tranh chấp khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (phải) và người đồng cấp Đức Heiko Maas tại Ankara

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (phải) và người đồng cấp Đức Heiko Maas tại Ankara

"Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mà không có điều kiện tiên quyết", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hôm thứ Ba 25/8 trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas tại Ankara.

"Nhưng điều này là không thể nếu Hy Lạp đặt ra các điều kiện tiên quyết", ông Mevlut Cavusoglu nói thêm.

Đức, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã nỗ lực hòa giải xoa dịu căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đang đơn phương tìm kiếm hydrocacbon ở đông Địa Trung Hải, gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực.

Việc phát hiện ra các mỏ khí đốt lớn trong những năm gần đây ở phía đông Địa Trung Hải đã kích thích sự tranh giành của các quốc gia khu vực và tạo ra căng thẳng giữa Ankara và Athens, vốn đang tranh giành một số khu vực lãnh hải.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas lần đầu tiên đến thăm Hy Lạp vào thứ Ba 25/8, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, đúng ngày hai nước tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở phía đông Địa Trung Hải.

"Vòng xoáy leo thang căng thẳng song phương đang gây ra lo ngại lớn. Một tia lửa nhỏ nhất có thể dẫn đến thảm họa", ông Maas phát biểu ở Athens.

Bộ trưởng Đức cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cần phải có "các dấu hiệu giảm leo thang và mong muốn đối thoại" ngay lập tức.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và người đồng cấp Nikos Dendias, ông Maas kêu gọi chấm dứt "mọi hoạt động phá hoại và khiêu khích" ở phía đông Địa Trung Hải, nơi Ankara đang gia tăng biểu diễn “cơ bắp” tại một khu vực tranh chấp giàu hydrocacbon.

Bày tỏ "tình đoàn kết với Hy Lạp", một quốc gia thành viên của EU, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cho rằng không ai "có thể có bất kỳ lợi ích nào trong một cuộc đối đầu quân sự giữa các nước láng giềng và các thành viên NATO".

Hoan nghênh sáng kiến của Đức, về phần mình, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias nhắc lại rằng Hy Lạp "đã sẵn sàng cho đối thoại, nhưng không thể thực hiện điều đó trong tình trạng bị đe dọa". Ông cũng kêu gọi các "lệnh trừng phạt" từ châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, Heiko Maas cho biết tình hình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang ở thời điểm "rất nguy cấp".

Tuy nhiên, ông khẳng định "không ai muốn giải quyết tranh chấp này bằng biện pháp quân sự. Cần có một mong muốn đối thoại từ cả hai bên".

Tàu địa chấn Oruç Reis

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ca ngợi nỗ lực hòa giải của Đức. Ông Cavusoglu nói rằng theo yêu cầu của Berlin, Ankara đã tạm dừng các hoạt động khoan vào tháng 7 như một "cử chỉ" mở đường cho đối thoại.

Nhưng việc Ai Cập và Hy Lạp ký một thỏa thuận phân định biên giới trên biển cho thấy Athens "không chân thành", theo Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi muốn khuyên Hy Lạp từ bỏ thái độ trẻ con này", ông Cavusoglu cảnh báo. "Bạn sẽ không thể nhận được bất cứ điều gì thông qua sự hỗ trợ của EU. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm những gì cần thiết mà không do dự".

Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ khả năng đất nước ông nhượng bộ để đổi lấy một bước tiến có thể có trong viễn cảnh gia nhập Liên minh châu Âu, hiện đang bế tắc. Ông nói thêm: “Sẽ là không thực tế khi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ các quyền lợi của mình khi sử dụng củ cà rốt hoặc cây gậy”.

Trước đó, Ankara quyết định kéo dài thời gian hoạt động của tàu địa chấn Oruç Reis cho đến ngày 27/8 ở khu vực mà Athens tuyên bố chủ quyền. Điều này dẫn đến việc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở phía đông Địa Trung Hải.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tho-nhi-ky-xuong-thang-keu-goi-hy-lap-dam-phan-ve-tranh-chap-khi-dot-576899.html