Thổ Nhĩ Kỳ xem xét mua hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên từ Nga

Ba năm sau khi loại bỏ một nhà thầu Nga vì chi phí quá đắt đỏ, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/10 tuyên bố sẽ xem xét ký kết một hợp đồng mới với Nga, mà theo đó Moscow sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên cho Ankara.

Theo các nguồn tin ngoại giao và thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà thầu Nga đã được mời thầu một lần nữa, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm tại Istanbul ngày 10/10, bên lề Hội nghị Năng lượng Toàn cầu năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Nga, sau khi không quân Thổ bắn hạ một chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi cuối tháng 11 năm ngoái, khi chiếc phi cơ này vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo biên giới với Syria.

Sau vụ việc, quan hệ ngoại giao giữa Moscow – Ankara đã bị đóng băng, đồng thời Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có cấm vận thương mại, đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới áp lực ngày càng tăng của Moscow, Tổng thống Erdogan hồi tháng 8 đã phải lên tiếng xin lỗi và đề xuất xoa dịu căng thẳng giữa 2 nước.

Tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ từng lựa chọn Tập đoàn Xuất nhập khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) làm nhà thầu cung cấp hệ thống phòng không của mình. Khi đó, Ankara cho biết giá trị đấu thầu mà CPMIEC đưa ra là 3,44 tỷ USD.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

Hồ sơ dự thầu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ từ chối, lấy lý do là nó “quá đắt đỏ”. Một số quan chức thân quen với dự án cho biết giá trị đấu thầu mà Moscow đưa ra “đắt gấp 2 lần” so với mức giá tốt nhất. Cùng bị loại với Nga, còn có một số tập đoàn khác của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin – hãng sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không Patriot; Eurosam của châu Âu – hãng sản xuất hệ thống SAMP-T.

Dưới sức ép từ các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tháng 10 năm ngoái, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hủy hợp đồng đã ký với tập đoàn CPMIEC của Trung Quốc, và sẽ tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của riêng mình. Hai công ty quốc phòng trong nước, Roketsan và Aselsan, đã được lựa chọn để hiện thực hóa kế hoạch này.

Song song với đó, Ankara cũng tiến hành thương lượng, đàm phán với các nhà thầu Mỹ và châu Âu. Giờ đây, với việc quyết định mời thầu một nhà sản xuất Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức mở ra một cuộc đua tam mã nhằm giành lấy bản hợp đồng béo bở.

Theo giới chuyên gia, nếu lựa chọn hệ thống phòng không và chống tên lửa của Nga hay Trung Quốc, Ankara sẽ phải chấp nhận việc hệ thống này sẽ phải hoạt động một cách độc lập và bị giới hạn. Nguyên nhân chính là vì các khí tài quân sự mới sẽ khó có thể hoạt động một cách đồng bộ với các thiết bị mà Mỹ và NATO đang triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trọng Sâm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tho-nhi-ky-xem-xet-mua-he-thong-phong-thu-ten-lua-dau-tien-tu-nga-post211229.info