Thổ Nhĩ Kỳ vướng lùm xùm liên quan đến Armenia

Ankara bị tố đưa hơn 4.000 lính đánh thuê từ Syria đến hỗ trợ Azebaijan trong cuộc chiến chống Armenia.

The Guardian dẫn lời một số chiến binh tại Syria cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang tuyên mộ các phiến quân từ tỉnh Idlib, Syria đến chiến đấu tại khu vực Nagorno- Karabakh tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.

Quân đội Azerbaijan pháo kích vị trí Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 28/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.

Quân đội Azerbaijan pháo kích vị trí Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 28/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.

Ba phiến quân tại khu vực này nói với The Guardian rằng, công việc tuyển mộ lính đánh thuê đến Azerbaijan được công bố cách đây một tháng.

Theo các nguồn tin, họ đã được triệu tập đến một trại ở Afrin vào ngày 13/9 và được một chỉ huy trong Lữ đoàn Sultan Murad thông báo rằng, các hợp đồng kéo dài trong 3 hoặc 6 tháng với nhiệm vụ "bảo vệ các trạm quan sát và các cơ sở dầu khí" ở Azerbaijan. Họ được trả 7.000- 10.000 lira tiền Thổ Nhĩ Kỳ một tháng (tương đương 900- 1.300 USD/tháng, khoảng 20,7 - 29,6 triệu đồng).

Mức thuê này cao hơn nhiều so với mức hàng tháng mà Ankara trả cho các chiến binh chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar Assad (khoảng 450-550 lira Thổ Nhĩ Kỳ một tháng, tương đương 57-70 USD), theo The Guardian.

Một người đàn ông tên Muhammad nói: "Lãnh đạo của chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không chiến đấu, chỉ hỗ trợ bảo vệ một số khu vực... Lương của chúng tôi không đủ sống, vì vậy chúng tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền.”

Anh trai của người này là Mahmoud nói thêm: "Tôi từng làm thợ may ở Aleppo nhưng kể từ khi chúng tôi chuyển đến Azaz, tôi đã nhiều lần cố gắng hành nghề nhưng gia đình và tôi không thể kiếm đủ.”

Một chiến binh khác đã yêu cầu được giấu tên cho biết, anh và 150 người khác đã được triệu tập tới Afrin vào ngày 22/9, nhưng sau đó nói rằng việc rời đi đã bị hoãn lại. Người này hứa sẽ bỏ ra 200 USD của lần trả lương đầu tiên cho một nhà môi giới địa phương để anh ta đăng ký vào đội lính đánh thuê đến Azebaijan.

“Khi chúng tôi mới bắt đầu được mời làm việc ở nước ngoài ở Libya, mọi người sợ đến đó, nhưng bây giờ chắc chắn có hàng nghìn người trong số chúng tôi sẵn sàng đến Libya hoặc Azerbaijan” - người này nói thêm.

The Guardian trích dẫn các nguồn tin giấu tên trong Quân đội Quốc gia Syria cho biết, một nhóm đầu tiên gồm khoảng 500 chiến binh Syria đã đến Azerbaijan, bao gồm các chỉ huy cấp cao Fahim Eissa của Sư đoàn Sultan Murad và Saif Abu Bakir của Al Hamza.

Trong khi đó, Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh tuyên bố có tới 1.000 chiến binh có thể hướng đến Azerbaijan.

Một số người đàn ông đã đến Libya cho biết họ đã được thông báo rằng họ sẽ làm nhân viên bảo vệ, nhưng cuối cùng họ lại chiến đấu trên tiền tuyến. Họ cũng cho biết các chỉ huy của họ sẽ nhận tới 20% tiền lương của họ.

Reuters cũng đưa tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ các chiến binh Syria. Hai trong số các chiến binh đã chiến đấu cho nhóm chiến binh thánh chiến Ahrar al-Sham ở Syria và tình nguyện đến Azerbaijan sau khi được hứa trả 1.500 USD một tháng.

“Tôi không muốn đi, nhưng tôi không có tiền. Cuộc sống rất khó khăn và nghèo khó”, một trong những chiến binh nói với Reuters. Reuters cho biết họ không thể xác minh danh tính của các chiến binh.

Hôm 28/9, Đại sứ Armenia tại Nga cho biết, khoảng 4.000 chiến binh từ miền bắc Syria đã được Thổ Nhĩ Kỳ cử đến Azerbaijan, khi giao tranh nổ ra trên khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, trong động thái mới nhất, Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, họ không thể xác nhận hoặc phủ nhận một cách độc lập các báo cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào leo thang hiện tại ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Tổ chức quốc tế này đang thúc giục cấp quyền tiếp cận phái đoàn giám sát của OSCE tới khu vực xung đột.

Khu vực Nagorno-Karabakh. Đồ họa: SETA.

Azerbaijan và Armenia đã sa vào một loạt các cuộc giao tranh quân sự vào hồi tháng 7. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Lực lượng vũ trang Azerbaijan.

Gần đây, tình hình đã nóng trở lại và việc Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc tham gia vào xung đột Nagorno-Karabakh đã càng khiến cho thế giới nhớ về sự tham gia của người Thổ Nhĩ Kỳ lên người Armenia từ năm 1915- 1917.

Vụ diệt chủng người Armenia (cũng được gọi là Cuộc tàn sát Armenia, Đại thảm họa Armenia hay Thảm sát Armenia) là vụ trục xuất và thảm sát bằng vũ lực hàng trăm ngàn đến hơn 1,2 triệu người Armenia trong thời kỳ chính phủ của Liên hiệp Thanh niên Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 1915 đến 1917 thuộc Đế quốc Ottoman.

Người Thổ được phép cướp bóc, hãm hiếp, sát hại bất kỳ ai trong đoàn người tị nạn, để lại một hàng dài những xác người bên trại giam và bờ sông Euphrates.

Từ năm 1965, 22 nước đã công nhận những hành động đày ải, trục xuất và thảm sát tập thể của nhà nước Ottoman từ năm 1915 tới 1917 chính thức là tội ác diệt chủng, chiếu theo các điều khoản được quy định trong “Công ước Liên Hiệp Quốc 1948 về Diệt chủng”.

Tuy nhiên, cho đến nay, các đời chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ việc các sách sử và tài liệu ghi chép, mô tả đặc điểm của các sự kiện này như là một tội ác diệt chủng quy mô lớn.

Do Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO nên nhiều quốc gia phương Tây né tránh nói về vấn đề này, nhưng cũng đã có không ít nước châu Âu đã thừa nhận tội ác diệt chủng đó, ví dụ như Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia và Cộng hòa Síp, cùng với một số quốc gia khác như Argentina, Canada, Lebanon, Uruguay…

Ngay cả Mỹ cũng đã nhiều lần né tránh vấn đề này nhưng đến năm 2010, một Ủy ban của Quốc hội Mỹ cũng đã buộc phải thừa nhận những hành động của nhà nước Ottoman trong Thế chiến thứ nhất đối với người Armenia là một tội ác diệt chủng.

Đây không phải là lần đầu một đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nước này phạm tội diệt chủng thời Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Vào tháng 6/2016, Quốc hội Đức cũng đã thừa nhận tội diệt chủng người Armenia năm 1915, khiến quan hệ giữa hai bên đến nay vẫn còn căng thẳng.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-vuong-lum-xum-lien-quan-den-armenia-3419789/