Thổ Nhĩ Kỳ và EU tìm giải pháp hàn gắn quan hệ

Chuyến công du của hai quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ là động thái mới nhất để Brussels và Ankara từng bước cải thiện mối quan hệ song phương theo hướng tích cực.

DW đưa tin, ngày 6-4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành hội đàm với Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên kể từ khi ông Erdogan thực hiện chuyến công du tới Brussels vào tháng 3 năm ngoái.

Đồng chủ trì họp báo, hai nhà lãnh đạo EU bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến một chương trình nghị sự cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về kinh tế, vấn đề di cư cũng như thắt chặt quan hệ song phương. Ông Michel cho biết, hai bên đã thảo luận thẳng thắn về tương lai của mối quan hệ song phương, đồng thời khẳng định lợi ích chiến lược của EU vẫn là môi trường ổn định và an toàn ở phía Đông Địa Trung Hải cũng như mối quan hệ tích cực và cùng có lợi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan (giữa) đón tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen (phải) tại thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan (giữa) đón tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen (phải) tại thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Chủ tịch EC cho rằng, cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo ra “động lực mới” để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên. Bà von der Leyen nêu bật những lĩnh vực mà hai bên có thể cải thiện quan hệ bao gồm biến đổi khí hậu, y tế công, giáo dục và đặc biệt là thương mại song phương. “EU hiện vẫn là đối tác xuất nhập khẩu quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ”, DW dẫn lời Chủ tịch EC nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, vấn đề người tị nạn cần được giải quyết trên cơ sở trách nhiệm chung, đồng thời kêu gọi gia hạn thỏa thuận Liên minh Thuế quan, miễn thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy giao lưu nhân dân và các cuộc đàm phán chính trị cấp cao giữa hai bên. Ngoài ra, ông Kalin khẳng định, mục tiêu cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành thành viên đầy đủ của EU.

Bên cạnh những tuyên bố khá tích cực trên, hai bên vẫn thể hiện nhiều sự khác biệt lớn. Thay vì đón nhận các ý kiến từ chính quyền Ankara, các nhà lãnh đạo EU lại chỉ trích những vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có vấn đề nhân quyền. Ngược lại, sự không hài lòng của phía Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp trên được thể hiện ngay từ việc Tổng thống Erdogan không tham gia họp báo chung với lãnh đạo EU mà chỉ thông báo về kết quả cuộc hội đàm thông qua người phát ngôn.

Mối quan hệ giữa Brussels và Ankara lâu nay ở trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” và thậm chí liên tục đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng bởi sự khác biệt trong quan điểm giữa hai bên. Là một ứng cử viên gia nhập EU từ năm 1999 song Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đứng ngoài khối này. Căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ càng leo thang thì con đường bước vào “ngôi nhà chung” châu Âu của Ankara càng khó khăn. Từ khi bắt đầu đàm phán gia nhập EU năm 2015 đến nay, tiến trình này gần như giậm chân tại chỗ.

Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ vừa chứng kiến một năm sóng gió liên quan tới các hoạt động thăm dò dầu khí của Ankara ở phía Đông Ðịa Trung Hải cũng như các chính sách đối với khu vực Trung Ðông-Bắc Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua cách tiếp cận “dần dần, có điều kiện và có thể đảo ngược”, nhằm tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Brussels yêu cầu Ankara phải giảm leo thang căng thẳng, nhất là giải quyết tranh chấp với hai thành viên EU là Hy Lạp và Cyprus, rút quân khỏi Libya. Nếu không tuân thủ các quy tắc, Thổ Nhĩ Kỹ có thể sẽ phải chịu thêm các biện pháp trừng phạt từ EU.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tho-nhi-ky-va-eu-tim-giai-phap-han-gan-quan-he-656284