Thổ Nhĩ Kỳ từ kỳ vọng đến 'nóng gáy' cực độ, Nga chẳng màng để tâm

Thổ Nhĩ Kỳ nuôi mộng xây dựng mối quan hệ sâu, rộng với Nga để làm đòn bẩy. Nhưng, Nga lại chẳng mặn mà với điều đó và rồi giấc mộng của Ankara vỡ tan.

Kỳ vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga mang thiên hướng cạnh tranh, xung đột nhiều hơn là hợp tác. Đó là thực tế đã xảy ra từ nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại kỳ vọng vào một điều lớn lao hơn. Ông tin rằng Nga sẽ trở thành đòn bẩy giúp Thổ Nhĩ Kỳ tạo lợi thế khi mối quan hệ của Ankara với phương Tây đi xuống.

Không thể phủ nhận, đã có thời gian Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga giúp quan hệ của 2 nước trở nên nông ấm. Nhưng, thời gian gần đây, quan hệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn được như vậy, 2 nước đang ở thái cực cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mỗi nước đều hướng đến lợi ích khác nhau.

Từ cuộc chiến Azerbaijan - Armenia đến khủng hoảng Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều ở những thái cực gần như đối lập. Vì xuất phát từ những động cơ khác nhau, hướng đến những lợi ích khác nhau nến sự nghi ngờ, cảm giác thận trọng đều xuất hiện ở cả 2 phía.

Như vậy, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không đi đúng quỹ đạo mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã kỳ vọng.

Ông Recep Tayyip Erdogan từng hy vọng về tương lai tươi đẹp với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng một mối quan hệ hợp tác sâu, rộng từ quân sự đến các dự án năng lượng. Mối quan hệ này sẽ trở thành đối trọng, bù lại những tổn thất mà Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu do quan hệ ngày càng xấu đi với các nước phương Tây.

Năm 2016, ông Erdogan thậm chí đã yêu cầu ông Putin giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc đứng đầu để “rảnh tay với phương Tây”. Trong quãng thời gian này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế. Việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 trị giá hàng tỷ đô la Mỹ của Nga cũng đã diễn ra trong bầu không khí tích cực này.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Trên thực tế, kỳ vọng về một mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác sâu và rộng với Nga của ông Erdogan rất khó trở thành hiện thực. Bởi, nhìn lại lịch sử mối quan hệ của 2 nước Thổ - Nga đều dễ dàng nhận thấy, cạnh trạnh và xung đột là xu thế chính trong nhiều thế kỷ qua.

Chưa bao giờ là đồng minh chiến lược

Cựu đại sứ Yusuf Buluc chia sẻ với Al-Monitor: “Tổng thống Erdogan và Putin đều nhận thức rõ về lý do tại sao họ hợp tác và có thể là bạn đồng hành với nhau đến đâu cũng như điều gì có thế ngăn cách họ. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không nhất thiết phải điều chỉnh bằng một chính sách rõ ràng và được thiết lập về mặt thể chế. Cả 2 đều coi sự hợp tác là khám phá cơ hội và tham gia để đạt được lợi ích. Nói thật, nó cũng không khác gì một giao dịch. Khi tham gia, bạn có thể đạt được điều gì đó cũng có thể mất thứ gì đó”.

Ông Erdogan kỳ vọng về một đòn bẩy để tạo đối trọng nhưng rồi kết cục lại hoàn toàn thất bại. Nước Nga không trở thành đòn bẩy mà lại là lực cản các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Libya. Một số lợi ích hạn chế mà Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thể giúp gì cho Ankara.

Có một thực tế phũ phàng là ông Erdogan muốn thế nào không quan trọng bằng việc Nga có đáp lại sự kỳ vọng đó hay không. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã từng có thông điệp gây sốc vào tháng 10/2020, khi Ankara và Moscow có quan điểm trái ngược trong cuộc xung đột Nagorno-Karabak. “Chúng tôi chưa bao giờ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược. Đó là một đối tác thân thiết. Quan hệ đối tác đó có bản chất chiến lược trong nhiều lĩnh vực”, ông Lavrov cho biết.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Gần đây, sự ủng hộ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Ukraine lại càng khiến Nga “xù lông”. Moscow không hài lòng về việc Ankara bán máy bay không người lái cho Ukraine .

Trong cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Istanbul ngày 10/4, ông Erdogan hứa “hỗ trợ vô điều kiện” các cuộc đấu tranh của Ukraine để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng công khai đề cập đến “việc Liên bang Nga sáp nhật Crime một cách bất hợp pháp” và bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực do Mỹ hậu thuẫn về “Cương lĩnh Crime” để giải quyết vấn đề này. Ankara cũng tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.

Sau chuyến thăm Istanbul của Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi tất cả các quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc tình hình và kiềm chế không kích động Ukraine.

Ông Hakan Aksay, chuyên gia hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ về Nga cho biết, trong tình hình căng thẳng hiện nay “cách tốt nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là giữ thái độ trung lập”. Điều này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ không làm phật lòng Nga.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định vị thế của mình và thể hiện mình không phải là một quốc gia trung lập qua một loạt hành động với Ukraine.

Ông Dimitar Bechev, giám đốc Viện Chính sách châu Âu tin rằng, Ankara đang tận dụng các mối liên hệ của mình với Ukraine để nhận được sự chú ý của Mỹ. “Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ với Mỹ và phần còn lại của NATO”, ông Bechev chia sẻ với Al Jazeera. Nỗ lực là vậy nhưng Ankara có đạt được điều mình kỳ vọng hay không, chúng ta lại phải chờ.

Nga “xù lông”, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng hài lòng với Nga. Nhiều hoạt động của Nga ở Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ “nóng gáy”. Ví dụ như, các cuộc không kích mà Nga tiến hành ở miền bắc Syria nhằm vào các nhóm vũ trang ở tỉnh Idlib. Các nhóm này một số nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, một số trú ẩn trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, việc Nga không kích liên tiếp khiến Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ không hài lòng.

Ngày 22/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Nga ở Ankara, Alexei Yerkhov để phản đối về các cuộc không kích của không quân Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, các cuộc không kích này đã nhằm vào các bệnh viện và dân thường. Ankara cũng cảnh giác với sự can dự của Moscow vào Libya. Bởi, nó ảnh hưởng nhiều đến định hướng chính trị của Ankara ở đất nước này.

Nhìn chung, mối quan hệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể trở thành đòn bẩy như Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kỳ vọng. Trên thực tế, mối quan hệ này là vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau để đảm bảo lợi ích của mỗi bên.

HÒA AN (Theo AM)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-tu-ky-vong-den-nong-gay-cuc-do-nga-chang-mang-de-tam-a512806.html