Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ khủng hoảng tài chính

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc rất nhanh trong phiên cuối tuần trước, thậm chí có thời điểm đã giảm tới 17% so với USD, sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump cho phép áp mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó sẽ đánh thuế 20% đối với nhôm và 50% đối với thép nhập khẩu từ nước này.

Tính chung đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 40% so với đồng USD kể từ đầu năm. Sự sụt giảm mạnh của đồng lira đã làm dấy lên nỗi lo quốc gia nằm tại Đông Nam Âu này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Theo giới quan sát nền kinh tế có quy mô khoảng 900 tỷ USD của Thổ đã đứng bên bờ vực từ lâu và động thái của Mỹ chỉ đơn giản là một cú đẩy nhẹ.

Người dân đang sử dụng máy rút tiền tự động tại Istanbul ngày 10/8 (Nguồn: Bloomberg)

Theo đó, nhiều năm thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đã khiến các công ty của nước này phải gánh chịu hàng trăm tỷ USD nợ nước ngoài, lạm phát bùng phát và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, việc NHTW Thổ vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cho dù lạm phát tại nước này đang bùng phát cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng, bán tháo đồng lira từ khá lâu trước đó. Rodrigo Catril - một nhà chiến lược tiền tệ cao cấp tại National Australia Bank ở Sydney cho biết, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về lạm phát gia tăng và khả năng NHTW Thổ Nhĩ Kỳ - cơ quan mà các nhà đang đặt một dấu hỏi lớn về tính độc lập – sẽ có hành động để ngăn chặn.

NHTW Thổ đang chịu áp lực lớn từ Tổng thống Erdogan, người đã được bầu lại vào tháng Sáu, trong việc giữ lãi suất thấp mặc dù lạm phát đã lên tới 15% trong tháng Bảy. Cơ quan này cũng đã đi ngược lại kỳ vọng thị trường và chính sách trái không thay đổi tại cuộc họp gần đây của mình. Mặc dù điều đó có thể đã làm hài lòng Erdogan, nhưng các nhà kinh tế nói rằng NHTW bây giờ có thể bị buộc phải hành động khẩn cấp.

“Có nhiều lý do để nghĩ rằng tăng lãi suất khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện tại chỉ có thể cung cấp cứu trợ thoáng qua”, William Jackson - Trưởng bộ phận kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết. “Không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay trở lại từ bờ vực này”, ông nói thêm.

Hệ thống tài chính ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi các cú sốc lãi suất và tỷ giá hối đoái. Bốn người có kiến thức về vấn đề này cho biết các nhà quản lý ngân hàng đã lên kế hoạch gọi cho một số ngân hàng vào thứ Bảy sau khi yêu cầu họ nghiên cứu tác động tiềm năng. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý, được gọi là BDDK ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết không có cuộc họp nào được lên lịch vào thứ Bảy và các đánh giá là thường lệ.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan vẫn cho thấy sự quyết tâm của mình. Cuối tuần trước, ông đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổi đôla và euro lấy lira để bảo vệ đồng nội tệ. Thế nhưng, dường như mọi yếu tố khác đang chống lại đồng lira. Các chuyến thăm của Bloomberg tới ba chi nhánh ngân hàng khác nhau ở Istanbul vào thứ Sáu cho thấy rằng các yêu cầu rút tiền ngoại tệ đã tăng lên. Không có gì lạ khi các chi nhánh không có đủ ngoại tệ trong tay để rút tiền lớn, và các nhân viên giao dịch tại các chi nhánh cho biết họ đang đợi tiền để được giao từ trụ sở chính để đáp ứng nhu cầu.

Đáng quan ngại hơn là cuộc khủng hoảng tài chính đang có dấu hiệu tràn vào phần còn lại của nền kinh tế. Các công ty tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đã vay rất nhiều bằng ngoại tệ và bây giờ phải trả một khoản nợ tương đương với khoảng 40% sản lượng kinh tế hàng năm.

“Đây là một cuộc khủng hoảng tiền tệ đang biến thành khủng hoảng nợ và thanh khoản do những sai lầm chính sách”, Win Thin - một nhà chiến lược tại Brown Brothers Harriman & Co. ở New York cho biết. “Mọi thứ đang đến, thị trường cần phải chuẩn bị cho sự hạ cánh cứng của nền kinh tế, và có thể xảy ra sự vỡ nợ của các công ty có nợ nước ngoài lớn cũng như ngân hàng”.

“Sự sụt giảm của lira Thổ Nhĩ Kỳ và chi phí vay tăng cao gây ra một nhức đầu lớn cho nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ, vì họ đã vay bằng ngoại tệ mặc dù nhận được doanh thu bằng nội tệ”, Carsten Hesse - nhà kinh tế châu Âu tại Berenberg cho biết và nhấn thêm rằng: “Sự suy thoái và khủng hoảng nợ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện kiểm soát vốn và yêu cầu một gói cứu trợ (từ Quỹ tiền tệ quốc tế) không thể loại trừ được nữa”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hạ báo tăng trưởng cho năm nay xuống còn 4% từ 5,5%, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo sự sụt giảm sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu sự tự tin không được phục hồi nhanh chóng.

Tình trạng hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên nỗi lo là nó sẽ lan rộng ra khu vực, thúc đẩy các nhà đầu tư đã tránh xa các tài sản rủi ro và tìm kiếm sự an toàn trong các trái phiếu của các nước phát triển. Đồng euro cũng sụt giảm tới 1,2% xuống mức thấp nhất trong một năm so với đồng USD trong bối cảnh lo ngại về sự tiếp xúc của châu Âu đối với các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Financial Times đưa tin rằng NHTW châu Âu đang lo ngại về việc các ngân hàng khu vực đồng euro tiếp xúc với Thổ Nhĩ Kỳ vì đồng lira rớt thảm. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng cho thấy, các ngân hàng khu vực đồng euro hiện có dư nợ trên 150 tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, các ngân hàng Tây Ban Nha, Pháp và Ý chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Cổ phiếu của một số ngân hàng lớn nhất châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề vào thứ Sáu. Cổ phiếu của UniCredit của Ý (UNCFF) giảm 5,6%; người cho vay BBVA của Tây Ban Nha giảm 5,5%; BNP Paribas (BNPQF) của Pháp giảm 4,3% và Deutsche Bank (DB) giảm 5,3%.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tho-nhi-ky-truoc-nguy-co-khung-hoang-tai-chinh-78859.html