Thổ Nhĩ Kỳ trước mối lo ngại đốm lửa nhỏ đốt cháy khu rừng

Sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria thì gần như ngay lập tức, người đồng cấp R. Erdogan cũng phát lệnh cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công dọc vùng biên giới Syria dài 500 km với lý do tiêu diệt lực lượng vũ trang người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là những phần tử khủng bố.

Nguồn: CNN

Nguồn: CNN

Bài viết này sẽ ít nhiều cung cấp những thông tin về tộc người Kurd và tại sao giới chức Thổ Nhĩ Kỳ luôn bất an về tộc người này cùng những phỏng đoán về cuộc chiến khó lường mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã khởi xướng…

Người Kurd là ai?

Nhiều người đã nghe về thuật ngữ “một dân tộc không có Tổ quốc” nhưng ít ai biết được rằng có một dân tộc mà những người đồng hương của họ sống trải dài chủ yếu tại 4 quốc gia là vùng Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (từ 13-18 triệu người), vùng Tây Bắc của Iran (từ 3-8 triệu người), vùng phía bắc Iraq (hơn 6 triệu người), vùng Đông Bắc Syria (khoảng gần 2 triệu người). Ngoài ra, họ còn là một cộng đồng lớn tại châu Âu và sống rải rác ở Mỹ và châu Á (khoảng 2,5 triệu). Dân tộc ấy chính là những người Kurd - một dân tộc đông dân nhất thế giới mà lại không có quốc gia, lãnh thổ của riêng mình!

Tại một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… do công tác điều tra dân số với tộc người này không được thực hiện nên theo ước tính, trên thế giới có khoảng từ 20-40 triệu người mang dòng máu Kurd sinh sống.

Cũng như các dân tộc khác tại Trung Đông, người Kurd cũng có lịch sử lâu đời của mình.

Do đặc thù của vị trí địa chính trị tại khu vực này, trong quá trình chinh phục của người Arab, hầu hết người Kurd đã trở thành các tín đồ của đạo Hồi.

Từ năm 750, dưới triều đại của đế chế Arab Abbasids, tất cả người Hồi giáo của các quốc gia khác đều được bình quyền với người Arab. Điều này dẫn đến hòa bình ở Caliphate và các dân tộc ngoài Arab có nhiều cơ hội hơn để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Rõ ràng, người Kurd rất hợp với người Arab, bởi vì người đồng hương Jaban Sahabi của họ đã là một cộng sự của nhà tiên tri Muhammad. Rồi Caliphate bị phân rã bởi cuộc xâm lăng của quân Thổ Nhĩ Kỳ và sự hùng mạnh của đế quốc Ottoman đã khiến ước mơ thành lập một nhà nước riêng của những người Kurd (Kurdistan) mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước. Suốt thế kỷ thứ XVI, xứ Kurdistan bị chia tách làm hai phần ở hầu hết vùng cận Đông do đế chế Ottoman chiếm giữ và xứ Ba Tư (thuộc Iran ngày nay). Trong giai đoạn này, người Kurd đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cũng chính vì thế mà cả hai phía đều làm lơ cho các lãnh chúa của người Kurd cai quản các khu vực mà mình kiểm soát.

Mong muốn thành lập một nhà nước Kurdistan tự trị đã được ghi nhận trong Hiệp ước Sevres theo gợi ý của Hội Quốc Liên (League of Nations - tiền thân của Liên Hợp Quốc) sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc mà bản đồ được phác thảo như hình một con lạc đà với diện tích tương đương với nước Pháp. Tuy nhiên, ngay sau đó các nước đồng minh phương Tây đã phủ quyết đề xuất này và xứ tự trị Kurdistan vẫn chỉ nằm trên giấy!

Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và những xung đột dai dẳng không có hồi kết

Mặc dù chiếm tới gần 20% dân số của Thổ Nhĩ Kỳ và là dân tộc thiểu số đông nhất tại đây nhưng những người Kurd luôn bị người gốc Thổ Nhĩ Kỳ kỳ thị. Trong khuôn khổ Hiệp ước Hòa bình Lausanne được ký kết năm 1923 thì các cộng đồng phi Hồi giáo bao gồm các công dân Thổ Nhĩ Kỳ gốc Do Thái, Hy Lạp, Armenia được coi là các cộng đồng thiểu số tại quốc gia này. Cộng đồng người Kurd với số lượng đông đảo, theo luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ lại không được coi là một cộng đồng thiểu số chính thức.

Người Kurd thường sinh sống tại các khu vực kém phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ và rất vất vả, khổ cực. Không ít người gốc Thổ Nhĩ Kỳ thường coi họ là những người hoang dã, hung hăng và vô giáo dục. Thái độ xem thường này là rất khó chấp nhận với một dân tộc cũng có bản sắc văn hóa phong phú cùng bề dày không chỉ được tính hàng trăm mà là cả nghìn năm.

Chính sách kỳ thị được thể hiện cụ thể bởi các lệnh cấm trong lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục, truyền thông và sự trừng phạt nghiêm khắc cả các bài phát biểu chống lại chính sách này dường như là một biểu hiện của "chủ nghĩa Kurd", chủ nghĩa ly khai… và hệ quả là những cuộc chống đối của những người Kurd luôn dai dẳng kéo dài triền miên ngay trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn từ những năm 1960-1970, một loạt các tổ chức ngầm của người Kurd đã ra đời, nổi bật nhất là Đảng Công nhân lao động Kurd (PKK) - một tổ chức tập hợp những người lao động nghèo khổ và luôn bất an được thành lập bởi Abdullah Ocalan vào năm 1978. PKK luôn theo đuổi chính sách cực đoan, duy trì các phương thức đấu tranh bạo lực, thậm chí cả các hoạt động khủng bố. Trong những năm 1980, PKK công khai tổ chức các cuộc nổi dậy chống lại Ankara.

Từ phía Ankara, Tổng thống R. Erdogan cũng luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Kurd. Ông Erdogan thường xuyên tuyên bố rằng triệt hạ PKK là mục tiêu của mình. Trong năm 2016, các phương tiện truyền thông của người Kurd bị dẹp bỏ, hơn 11.000 giáo viên người Kurd bị buộc thôi việc, 24 quan chức đứng đầu các địa phương có gốc gác Kurd bị thay thế bằng những người do Ankara chỉ định.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra vùng đệm an toàn dọc theo chiều dài biên giới 500 km với Syria và vào sâu lãnh thổ của Syria 30 km - Nguồn: Expert

Đâu là mục đích thực của việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria?

Ngày 9/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “nguồn cội của hòa bình” và đồng loạt triển khai các cuộc không kích, pháo kích và cả các cánh quân vào lãnh thổ Syria.

Theo tuyên bố của Ankara, mục đích của chiến dịch này là để tiêu diệt các tổ chức khủng bố IS và các tổ chức của PKK, tạo ra vùng đệm an toàn dọc theo chiều dài biên giới 500 km với Syria và vào sâu lãnh thổ của Syria 30 km để đưa khoảng 2 triệu người tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực này.

Tuy nhiên, theo hãng thông tin TASS của Nga thì Ankara luôn bất an về vấn đề người Kurd. Thời gian qua, dưới sự che chở của quân đội Mỹ, lực lượng người Kurd đã kiểm soát được một phần rộng lớn trên lãnh thổ Syria tại vùng giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara luôn lo sợ một tổ chức tự trị của người Kurd sẽ hình thành trong tương lai tại đây.

Ngay sau những phát súng tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, đoàn người lánh nạn lũ lượt rời khỏi khu vực chiến sự. Chỉ sau khoảng một tuần giao tranh, đã có ít nhất hai quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng và theo Ankara đã có 653 chiến binh người Kurd bị tiêu diệt.

Cùng với sự trợ giúp của quân đội Mỹ, những đóng góp của lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do việc Mỹ rút quân mà ngay sau đó người Kurd đã phải rời bỏ một trong những mỏ dầu lớn nhất ở Syria gần thành phố Dier ez Zor, nơi mà trước đây do quân đội Mỹ đảm nhiệm việc canh giữ. Và sau đó họ tuyên bố sẽ dừng chiến dịch chống khủng bố chống lại IS và không còn coi việc canh giữ các tù binh IS là ưu tiên của họ vì tất cả các lực lượng sẽ phải dồn đến biên giới để đương đầu với quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thống kê, trước khi Mỹ rút quân khỏi Syria, tại khu vực do người Kurd kiểm soát đang giam giữ khoảng 2.500 tù binh khủng bố nhắm vào châu Âu và khoảng 10.000 tên đồ tể bị bắt giữ tại Syria và Iraq. Ngoài ra tại trại Al Khol, có hơn 60.000 người tị nạn mà phần đông trong số họ là vợ và con của những kẻ khủng bố, những người luôn thề nguyện trung thành vời nhà nước Hồi giáo. Ngay trong ngày 10/10, các binh sĩ bảo vệ các trại giam giữ này đã lên đường hướng về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc canh giữ lỏng lẻo liệu có tạo ra cơ hội để những kẻ khủng bố trốn thoát vào hoạt động trở lại? Thật khó có câu trả lời chính xác nhưng nguy cơ thì đang hiện hữu.

Mối đe dọa của một làn sóng hỗn loạn mới ở Syria đang gia tăng mỗi ngày. Theo một nghĩa nào đó, điều này cũng có thể nằm trong tay của người Kurd. Họ quyết tâm và sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có thể để chiến đấu, bao gồm cả yếu tố gây mất ổn định triệt để trong khu vực. Trong trường hợp cực đoan, nếu người Kurd phải “một chọi một” với người Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ, thì có thể không chỉ tại Syria, mà cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở thành chiến trường của một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn, mà người Kurd, như chúng ta biết, là những chiến binh dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bị các đồng minh phương Tây “bỏ rơi”, lại không có trong tay các vũ khí phòng không, việc phải đương đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "được trang bị" với người Kurd dường như là không thể. Họ đã buộc phải tạm gác lại giấc mơ xây dựng nhà nước tự trị để ngồi vào bàn đàm phán với quân của chính phủ Syria thông qua vai trò trung gian của Nga.

Theo những thông tin mới nhất thì quân đội Syria đã và đang tiến về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đà tiến quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chậm lại.

Mặc cho những phản đối từ nhiều quốc gia và cả từ Liên Hợp Quốc, Ankara vẫn đang thể hiện quyết tâm cứng rắn của mình.

Tình hình tại khu vực này khó lòng mà yên ổn được nếu những người trong cuộc không chịu nhún nhường và thế giới vốn đã ngột ngạt bởi biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên căng thẳng bởi những toan tính địa chính trị.

Phạm Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/tho-nhi-ky-truoc-moi-lo-ngai-dom-lua-nho-dot-chay-khu-rung/377763.vgp