Thổ Nhĩ Kỳ: Tranh cãi quanh dự án kênh đào 'khủng'

Khu vực phía Tây thành phố Istanbul, nằm giữa Biển Đen và biển Marmara, là một quần thể đa dạng, có cả rừng, nông trại, đầm lầy và các khu dân cư cổ xưa. Một dòng kênh chạy ngoằn ngoèo theo hướng Bắc - Nam nối vào hồ Terkos, khu dự trữ sinh quyển Sazlidere và đầm Kucukcekmece, nguồn nước ngọt quan trọng cho các loài chim di cư và cả cư dân thành phố Istanbul.

Dòng kênh đó là một phần trong dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ mang tên Kanal Istanbul có tổng mức đầu tư lên đến 12,6 tỉ USD. Đây được xem là dự án “điên rồ” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, từng được ông đề cập lần đầu vào năm 2011. Tháng 1-2020, Bộ Môi trường và Phát triển đô thị Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cấp phép cho dự án.

Dự án Kanal Istanbul có tổng chiều dài 45km, khi đi vào hoạt động sẽ là tuyến vận tải đường thủy nối biển Đen ở phía Bắc với biển Marmara ở phía Nam, chạy song song với eo biển hiện hữu Bosphorus vốn đã cắt đôi thành phố Istanbul. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng dự án Kanal Istanbul sẽ góp phần giảm lưu lượng giao thông thủy đi vào thành phố Istanbul.

Tàu thuyền lưu thông qua eo biển Bosphorus.

Tàu thuyền lưu thông qua eo biển Bosphorus.

Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi, dự án cũng đang gây nên những tranh cãi, chỉ trích từ phía các nhà khoa học, những người hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có cả Thị trưởng Istanbul. Những người phản đối dự án cho rằng dự án sẽ làm phá hủy hệ sinh thái của biển Marmara. Giới khoa học phân tích rằng, hệ sinh thái hữu cơ của biển Đen cao hơn nhiều so với biển Marmara. Bên cạnh mực nước cao hơn đến 50cm, biển Đen còn có độ muối cao hơn.

Khi dự án được triển khai, thành phần sinh thái biển Đen tràn sang biển Marmara sẽ phá vỡ hệ sinh thái tại đây, gây nên sự thiếu hụt oxygen trong nước biển Marmara. Sự thiếu hụt oxygen sẽ dẫn đến các loài vi khuẩn và phiêu sinh vật khác tạo ra khí sulphur mà mùi hôi thối của nó giống như mùi trứng thối lan khắp thành phố.

Không chỉ tạo ra nguy cơ về sinh thái trong biển Marmara, dự án còn đe dọa nguồn cấp nước cho thành phố Istanbul. Hồ Terkos và khu dự trữ sinh quyển Sazlidere là nguồn cung cấp nước lâu đời, từ thời La Mã cổ đại, cung cấp 1/4 nguồn nước uống cho Istsanbul. Cevahir Efe Akcelik, Thư ký Liên hiệp Các hội kỹ sư và kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nếu các nguồn dự trữ nước ngọt đó bị mất, sẽ không có nguồn nước nào khác thay thế để cung cấp cho phần lục địa phía châu Âu của Istanbul.

Thay vào đó, chính phủ sẽ phải bơm nước từ sông Sakarya ở tận bên phần châu Á sang. Tình huống đó sẽ gây tốn kém rất nhiều. Ngoài ra, dự án cũng sẽ phá hủy đầm Kucukcekmece, nơi trú ngụ của nhiều loài chim di trú, sẽ chứng kiến hàng trăm loài khác nhau biến mất.

Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA), Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng không thấy có bất cứ vấn đề gì trong dự án. Tổng thống Erdogan cho rằng không còn phương án nào khác thay thế cho dự án Kanal Istanbul để có thể giúp giảm lưu lượng tàu thuyền qua eo biển Bosphorus và rằng các khảo sát về kỹ thuật và môi trường đã được tiến hành một cách thích hợp.

Toàn cảnh eo biển Bosphorus.

Tuyến giao thông thủy qua eo biển Bosphorus là cực kỳ quan trọng nối biển Đen ra biển Marmara và Địa Trung Hải. Mỗi năm có khoảng 48.000 tàu thuyền đi qua đây, trong đó có cả tàu chở dầu và tàu chiến. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại rằng việc để quá nhiều tàu thuyền, nhất là những chuyến tàu chở hàng hóa độc hại, nguy hiểm, đi qua trung tâm thành phố Istanbul gây ra những rủi ro lớn cho cư dân thành phố, vì vậy cần phải xây dựng tuyến giao thông mới, tức dự án Kanal Istanbul, để giảm thiểu rủi ro này.

Tuy nhiên, cách giải thích của Tổng thống Erdogan và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không được phía đối lập chấp nhận. Khi Bộ Môi trường và Phát triển đô thị đưa dự án ra lấy ý kiến công chúng, hơn 70.000 người đã ký tên phản đối nhưng bộ này vẫn cấp phép cho dự án. Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu, thuộc đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP), đã đối đầu căng thẳng với đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan xung quanh dự án này.

Thị trưởng Imamoglu đã phát động một chiến dịch vận động công chúng chống lại dự án, đồng thời khởi kiện ra tòa án nhằm yêu cầu dừng dự án. Bộ sậu của Thị trưởng Imamoglu cho rằng, dự án đã không tính toán đến những lợi ích sống còn của cư dân thành phố nằm trong khu vực phía Bắc Istanbul, nơi có các đầm, phá, khu dự trữ sinh quyển, nguồn nước ngọt vô giá cung cấp cho thành phố. Ông Imamoglu cũng đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Hòa bình Xanh.

Những người phản đối dự án cũng phản bác lập luận của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng giao thông thủy qua eo biển Bosphorus quá tải. Theo ông Akcelik, lưu thông qua eo biển trong 10 năm gần đây đã giảm khoảng 10% so với trước. Một trong những yếu tố tác động đó là việc xây dựng các tuyến ống dẫn dầu khí liên lục địa đã góp phần làm giảm phụ thuộc vào việc vận chuyển bằng tàu thủy. Tàu thuyền giảm cũng kéo theo tai nạn giao thông thủy giảm.

Giới chức thành phố Istanbul cho biết, trong nhiều năm qua đã không có tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra trên eo biển Bosphorus và hy vọng trong tương lai cũng sẽ như thế.

Bất chấp sự phản đối của phe đối lập và những người bảo vệ môi trường, Tổng thống Erdogan tuyên bố dự án của ông vẫn sẽ tiến hành như kế hoạch. Các phụ tá của ông Erdogan cho biết, cho dù dự án có thể tác động phần nào đến môi trường sinh thái các vùng nước ngọt xung quanh Istanbul nhưng lợi ích kinh tế mà nó mang lại là rất đáng kể, không thể phủ nhận được. Đây là dự án hạ tầng quan trọng nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế cho cả mạn Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/tho-nhi-ky-tranh-cai-quanh-du-an-kenh-dao-khung-583101/