Thổ Nhĩ Kỳ: Tối đa hóa tiềm năng của các doanh nghiệp

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổ hợp CNQP được hiểu là một hệ sinh thái có sự tham gia của 4 bên, bao gồm: Chính phủ, ngành công nghiệp, giới quân sự, giới nghiên cứu. Mục tiêu của tổ hợp CNQP Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập một ngành CNQP đầy đủ và độc lập vào năm 2023.

Về chiến lược phát triển, CNQP của Thổ Nhĩ Kỳ xác định phải tập hợp sức mạnh cộng sinh của tất cả các bên liên quan, nhưng có sự tách biệt ngành công nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ... để tối đa hóa tiềm năng của các doanh nghiệp; hoàn thiện đầy đủ nhu cầu chủng loại sản phẩm cho quân đội. Thổ Nhĩ Kỳ xác định phát triển các công nghệ cao, tiên tiến nhất bằng đội ngũ nghiên cứu trong nước (các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học); chú trọng từng bước nội địa hóa VKTBKT.

Bên cạnh đó, quốc gia này còn có chiến lược đặt hàng sản phẩm dài hạn ngay từ giai đoạn nghiên cứu mẫu; cho vay kinh phí trước, kết hợp với các chính sách khuyến khích khác về kinh tế và tài chính đối với các loại trang thiết bị, vũ khí công nghệ cao...

Trực thăng chiến đấu ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Tusas.com

Trực thăng chiến đấu ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Tusas.com

Nhằm bảo đảm tính bền vững của CNQP, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực CNQP; xúc tiến xuất khẩu sản phẩm quốc phòng; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân; hình thành các cụm doanh nghiệp; bảo đảm sự tham gia của các trường đại học và viện nghiên cứu; tăng cường năng lực công nghệ của ngành công nghiệp quốc gia...

Với những bước đi như vậy, kết quả là tỷ lệ nội địa hóa VKTBKT của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 24% năm 2002 lên tới 68,5% năm 2016.

Dự án trực thăng chiến đấu ATAK là một trong những ví dụ điển hình về việc hình thành các tập đoàn chuyên môn về ngành dọc, phối hợp với nhau theo chiều ngang của các thành phần trong tổ hợp CNQP Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tạo ra những sản phẩm chiến lược. Trong dự án trực thăng chiến đấu ATAK, thành công có được nhờ sự hợp tác hiệu quả của chính phủ và các doanh nghiệp. Trong đó, chính phủ giao cho TAI chủ trì; TUBITAK, Meteksan Defense và Đại học Bilkent hợp tác làm phần radar sóng mm-phần công nghệ quan trọng quyết định nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của ATAK; ASELSAN làm phần tác chiến điện tử; ROCKETSAN làm phần tên lửa; Honeywell International & Rolls-Royce làm động cơ...

Được biết, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ có 3 công ty CNQP lớn nằm trong top 100 thế giới là ASELSAN, TAI và ROCKETSAN, đảm nhận vai trò chính cho các ngành công nghệ cao như: Hàng không vũ trụ, tên lửa, thông tin liên lạc, vũ khí chính xác...

Tháng 8-2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong lĩnh vực CNQP; có thể đáp ứng những nhu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh, ngành CNQP không phải là một lĩnh vực có thể phụ thuộc vào nước ngoài, vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ cần phải phát triển hơn nữa lĩnh vực này và sản xuất nhiều sản phẩm tiên tiến hơn.

Có thể thấy, trong một số cuộc xung đột mới đây, vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được ưu thế vượt trội về tính năng kỹ-chiến thuật, trong đó có các loại máy bay không người lái. Trong vài năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu các loại tên lửa, xe bọc thép, pháo, tàu chiến... sang Pakistan, Malaysia, Oman, Qatar, Azerbaijan. Riêng năm 2019, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 36,4% so với năm 2018, đạt hơn 2,7 tỷ USD.

ĐÔNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tho-nhi-ky-toi-da-hoa-tiem-nang-cua-cac-doanh-nghiep-657744