Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn giao căn cứ Incirlik cho Nga?

Những căng thẳng gần đây giữa Washington và Ankara đã dẫn đến nhiều ý kiến đề nghị chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh NATO đã không còn lý tưởng trong thời gian gần đây. Bắt đầu từ 5 năm trước, khi Ankara cáo buộc Washington chuẩn bị một cuộc đảo chính quân sự.

Sau đó là một cuộc "xung đột lâu dài" về việc mua hệ thống phòng không S-400. Giờ đây mối quan hệ tiếp tục xấu đi sau những tuyên bố của Washington về việc công nhận cuộc diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman năm 1915.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO thân cận nhất của Hoa Kỳ. Chính từ đất Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã đe dọa Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân. Năm 1961, họ bắt đầu triển khai tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter gần Izmir. Tầm bắn của tên lửa (2.400 km) giúp nó có thể vươn tới Moskva.

Việc Liên Xô quyết định triển khai tên lửa ở Cuba, dẫn đến cuộc khủng hoảng tên lửa chỉ là một biện pháp trả đũa. Sau tháng 10/1962, Liên Xô và Hoa Kỳ đi đến thỏa hiệp "chống tên lửa", lần lượt từ chối triển khai vũ khí tấn công ở Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nhân tố quan trọng nhất của sườn phía Nam của NATO. Đây là đội quân lớn thứ hai của liên minh (710 nghìn quân). Trong những thập kỷ gần đây, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển đáng kể so với những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Nhiều người liên kết chúng với kế hoạch của Tổng thống Erdogan nhằm khôi phục Đế chế Ottoman.

Có thể những tham vọng này theo định kỳ dẫn đến mâu thuẫ giữa hai đồng minh quân sự - chính trị lớn nhất của NATO trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Azerbaijan vũ khí trong cuộc chiến với Armenia tại Nagorno-Karabakh.

Vì điều này Ankara đã bị một số nước NATO, trong đó có Pháp chỉ trích. Nhiều công ty quân sự, dưới áp lực từ chính phủ của họ đã ngừng cung cấp linh kiện cho máy bay không người lái Bayraktar TB2.

Trong tranh chấp với các đồng minh, Ankara định kỳ quay sang tranh luận nghiêm túc. Cụ thể một số chính trị gia tại Ankara đang muốn Hoa Kỳ phải rút khỏi căn cứ không quân Incirlik, mặc dù cho đến nay vấn đề vẫn chưa được đề đạt chính thức.

Nga có thể tiếp quản căn cứ không quân Incirlik từ NATO

Nga có thể tiếp quản căn cứ không quân Incirlik từ NATO

Vào ngày 27/4, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do - ông Vladimir Zhirinovsky, một lần nữa thu hút sự chú ý về chủ đề này. Ông nói rằng trong cuộc gặp với Tổng thống Erdogan, nhà lãnh đạo đã ám chỉ về việc có thể bàn giao căn cứ cho Nga.

“Khi tôi gặp Erdogan, ông ấy nói rằng trong tương lai sẵn sàng bàn giao căn cứ này cho Nga nếu quan hệ phát triển. Ông ấy đã yêu cầu giúp đỡ trong việc gia nhập SCO. Thậm chí có thể là trong EurAsEC”, ông Zhirinovsky nói trong chương trình radio Direct Contact.

Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan không loại trừ mối quan hệ quân sự - chính trị chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Tuy nhiên chuyên gia quân sự nổi tiếng về Trung Đông - ông Yuri Lyamin lại nhận xét: "Điều này là không thực tế, ít nhất chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ còn là thành viên NATO. Bất chấp mọi tranh cãi và bất mãn, Mỹ không muốn mất dù chỉ là một đồng minh cứng đầu nhưng quan trọng như vậy ở sườn phía Nam, và Ankara không muốn mất tất cả các đặc quyền mà họ có với tư cách là thành viên NATO".

Trước đó, ông Mikhail Barabanov - chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), cho rằng đối với Mỹ, họ rất lo ngạivieecj có thể mất căn cứ Incirlik nằm ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria.

Theo ông Barabanov, Không quân Mỹ duy trì đội hình 5.000 người ở Incirlik. Đây là trung tâm vận tải và hàng không lớn nhất để kết nối các lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan với các căn cứ ở châu Âu của họ.

Mỹ đã triển khai tiêm kích F-16, cường kích A-10, máy bay cảnh báo sớm E-3, nhiều máy bay trinh sát khác nhau, cũng như máy bay tiếp dầu KS-135 để hỗ trợ hàng không ở Iraq và Syria, chưa kể số lượng máy bay vận tải.

Căn cứ có 57 nhà chờ máy bay được bảo vệ, 50 quả bom hạt nhân chiến thuật B61 cũng được cất giữ ở đó. Incirlik cũng được sử dụng bởi Không quân Anh, nó được bao phủ bởi một dàn tên lửa phòng không Patriot.

Với sự bố trí lực lượng dày đặc ở đây, rõ ràng Mỹ và NATO thể hiện muốn đóng quân lâu dài và khó có khả năng căn cứ Incirlik sẽ tuột khỏi tay họ.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-se-ban-giao-can-cu-incirlik-cho-nga-3431360/