Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tái chiếm Manbij

Trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tái chiếm Manbij, thị trấn nằm ở Đông Bắc Syria hiện đang bị chiếm đóng bởi các lực lượng vũ trang người Kurd.

Thông báo từ văn phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc tiến công có mục đích đáp trả lại động thái khiêu khích từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm bành trướng tầm ảnh hưởng của tổ chức này sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump vào hôm Chủ nhật vừa qua xảy ra chỉ gần một tuần sau một cuộc điện đàm khác giữa 2 nhà lãnh đạo này. Khi đó, cả 2 đã cùng bàn thảo về tình hình tại khu vực Đông Bắc Syria, trong bối cảnh những căng thẳng xung quanh số phận của các chiến binh người Kurd tại đây đang ngày càng leo thang.

“Xương sống của cuộc giao tranh”

Nằm gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Manbij đã nổi lên như một điểm mấu chốt cho những căng thẳng sau khi Tổng thống Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria, nơi mà sự hiện diện của quân đội Mỹ đang tạo một sự răn đe hiệu quả đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tấn công các chiến binh người Kurd, lực lượng đồng mình của Washington trên mặt đất trong cuộc chiến chống lại IS.

Lực lượng Dân chủ Syria, một nhánh dân quân đồng minh với lực lượng YPG của người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, đã đánh chiếm Manbij từ năm 2016. Trong khi đó, Chính quyền Ankara từ lâu đã coi YPG như một nhóm “khủng bố”, và là một nhánh của lực lượng Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức đã tiến hành các chiến dịch vũ trang ly khai chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng thập kỷ.

Phóng viên Osama bin Javaid, ghi nhận từ khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cuộc điện đàm mới nhất từ Tổng thống Erdogan “về cơ bản là sự tiếp nối chiến lược hòa giải cho những bất đồng đã từng nảy sinh,” sau những cuộc khẩu chiến giữa 2 nước, hiện đang là đồng minh quân sự với nhau trong khối NATO, xoay quanh sự hậu thuẫn của Washington với lực lượng người Kurd tại Syria, và những gì sẽ xảy ra tại khu vực này sau động thái rút quân từ Mỹ.

“Manbij là “xương sống” của cuộc giao tranh giữa 2 nước, vì các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ muốn nằm quyền kiểm soát thị trấn này, trong khi lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn lại không muốn mất kiềm soát thị trấn vào tay Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.” Ông Javaid cho biết, “Các chiến binh người Kurd có thể sẽ ngả về phía Chính phủ Syria trong trường hợp một khoảng trống quyền lực được tạo ra sau khi Mỹ rút quân – một kết quả mà cả Mỹ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không mong muốn.”

Tháng trước, lực lượng YPG đã mời các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vào Manbij, với hí vọng sẽ ngăn chặn các cuộc tiến công từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Khẩu chiến

Nói về cuộc điện đàm mới đây, Nhà Trắng đã không đề cập gì tới các đề nghị của Tổng thống Erdogan trong việc tiếp quản Manbij, nhưng cho biết cả 2 bên đã nhất trí việc tìm kiếm một thỏa thuận chung, có thể thỏa mãn nhu cầu an ninh của cả Mỹ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đánh bại các phần tử khủng bố còn tồn tại ở Syria,” Bà Sarah Sanders, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết về cuộc điện đàm trên, “Hai nước đã nhất trí cho một giải pháp thương lượng có thể thỏa mãn nhu cầu an ninh của cả 2 tại khu vực Đông Bắc Syria.”

Trước đó, Tổng thống Trump đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được tấn công các lực lượng người Kurd, và đe dọa sẽ “hủy diệt kinh tế” nước này nếu tiếp tục gây chiến.

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết “Chúng tôi không sợ và sẽ không bị uy hiếp trước bất kỳ mối nguy nào. Mọi sự đe dọa kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ đều là vô nghĩa.”

Ông Erdogan muốn gặp Tổng thống Trump?

Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết 2 nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Chính phủ 2 nước về việc thiết lập một vùng an toàn tại Đông Bắc Syria, vốn được đề xuất bởi Tổng thống Trump vào đầu tuần trước. Lực lượng SDF cho biết họ cũng sẵn sàng ủng hộ việc tạo vùng an toàn, trong bối cảnh người Kurd lo sợ sự thoái lui của Mỹ sẽ tạo cơ hội để Ankara tổ chức những cuộc tiến công vào lực lượng này.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Chính phủ Mỹ từng không nhất quán về tiến trình rút quân, kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố triệt thoái 2.000 lính Mỹ khỏi lãnh thổ Syria vào ngày 19 tháng 12 năm ngoái, cũng như cách tiếp cận của nước này với các “nhóm khủng bố” khác.

Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Oklahoma, Mỹ, cho biết Tổng thống Erdogan đang có chủ đích muốn nói truyện trực tiếp với Tổng thống Donald Trump:

“Tổng thống Erdogan muốn Mỹ phải rời khỏi Bắc Syria, và ông ta biết Tổng thống Trump cũng muốn như vậy. Vì thế ông Erdogan không muốn nói truyện với bất kỳ đội ngũ an ninh hay đội ngũ chính sách ngoại giao nào xung quanh tổng thống Trump, vì tất cả trong số họ muốn ở lại Syria trong thời gian dài, mà theo như họ giải thích, là muốn đẩy lùi Iran, tiếp tục cuộc chiến chống lại ISIS, và đảm bảo sự bảo vệ cho các lực lượng người Kurd vốn đang là đồng minh với họ ở phía Bắc Syria.”

“Tổng thống Trump muốn đưa binh sĩ về nhà và không muốn họ phải tiếp tục sa lầy tại chiến trường Syria. Hãy để Nga, Iran và Syria chống lại ISIS và kết liễu chúng; nếu họ muốn làm điều đó, hãy để họ trả giá vì nó.” Ông Landis nhận đỉnh.

Việt Anh
Theo Al Jazeera

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-san-sang-tai-chiem-manbij-1369678.tpo