Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư, từ chối ký kế hoạch bảo vệ Baltic của NATO

Ankara muốn khối đồng minh quân sự này phải đưa lực lượng do người Kurd dẫn đầu ở Syria vào danh sách khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã ra tối hậu thư với NATO, từ chối ký kế hoạch bảo vệ đối với Baltic và Ba Lan nếu liên minh quân sự này không chính thức coi lực lượng do người Kurd dẫn đầu ở miền Bắc Syria là một “tổ chức khủng bố”.

Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận quân sự Mũi tên Bạc (Silver Arrow) ở Adazi, Latvia ngày 5/10/2019. Ảnh: Reuters

Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận quân sự Mũi tên Bạc (Silver Arrow) ở Adazi, Latvia ngày 5/10/2019. Ảnh: Reuters

Reuters ngày 26/11 dẫn 4 nguồn tin cấp cao của NATO cho biết, việc nhất trí về kế hoạch phòng vệ của NATO đối với các nước Đông Âu đã leo thang từ một vấn đề mang tính thủ tục thành một cuộc chiến ngoại giao thực sự.

“Họ [Thổ Nhĩ Kỳ] đang biến châu Âu thành con tin, ngăn chặn việc thông qua kế hoạch quân sự cho đến khi họ nhận được sự nhượng bộ”, một nguồn tin cho biết”.

Phái viên Thổ Nhĩ Kỳ đã được chỉ thị không ký kế hoạch – vốn cần phải được tất cả các nước thành viên NATO thông qua – cho đến khi liên minh này coi Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria là khủng bố.

YPG là thành phần quan trọng trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) –lực lượng gần đây đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Dù SDF lâu nay là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, những Thổ Nhĩ Kỳ lại coi SDF là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều coi PKK là một tổ chức khủng bố.

Ba Lan và 3 nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva đều rất mong muốn được tăng ngân sách và sự hiện diện quân sự của NATO trong khu vực, viện dẫn lo ngại về sự gây hấn từ Nga.

Những bất đồng về kế hoạch bảo vệ của NATO đối với các nước Baltic này đang đe dọa các sự kiện kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 70 tại London (Anh) sắp tới. Tuy nhiên, Ankara có vẻ như kiên quyết chỉ bật đèn xanh nếu có được sự nhượng bộ từ NATO.

Quan điểm kiên quyết của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ chỉ làm gia tăng thêm những quan ngại của NATO hiện nay, trong bối cảnh Tổng thông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước thành viên đã không thực hiện được cam kết ngân sách của mình. Chỉ có 7 trong số 29 thành viên đang chi từ 2% GDP trở lên cho quân sự, trong khi Ba Lan và các nước Baltic có ở trong số này thì Thổ Nhĩ Kỳ lại không.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, và đã có vị trí chiến lược ở sườn phía đông, có thể tiếp cận cả Nga và Trung Đông. Trong khi đó, Ankara cũng đang có mối quan hệ không êm đềm với Mỹ, do việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga cũng như chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã coi quyết định rút lính Mỹ của Tổng thống Trump như một sự ngầm đồng ý cho Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, nhưng Mỹ vẫn coi lực lượng người Kurd ở Syria là “đồng minh” và nhiều lần kêu gọi Ankara kiềm chế các cuộc đột kích nhằm vào SDF./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-ra-toi-hau-thu-tu-choi-ky-ke-hoach-bao-ve-baltic-cua-nato-983217.vov