Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực làm thân mong Mỹ nồng ấm trở lại: Khó như lên trời

Chính quyền ông Biden đang dành cho Thổ Nhĩ Kỳ 'vai lạnh' trong vụ việc S-400. Đó là một thực tế và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm cách 'hâm nóng' trở lại.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thuê một hãng luật ở Washington, hãng này sẽ thay mặt họ “vận động hành lang” để tìm cách làm “ấm lại” mối quan hệ với chính quyền Biden.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp tất cả để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Họ đã đạt được mục đích nhưng lại phải nhận sự trừng phạt của Mỹ. Những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp truyền thông điệp đến Mỹ về việc tìm một giải pháp cho những căng thẳng hiện tại, nhưng đáp lại chỉ là sự lạnh nhạt từ phía Mỹ.

Một công ty quốc phòng thuộc sở hữu của Chủ tịch cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với hãng luật Arnold & Porter để có được “lời khuyên chiến lược và cách tiếp cận”.

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng, họ sẽ có được cách tiếp cận hiệu quả để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Chương trình siêu tiêm kích F-35, theo thông tin từ Reuters.

Hệ thống phòng thủ S-400.

Hệ thống phòng thủ S-400.

Năm 2019, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35, sau khi chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỹ khẳng định, radar của S-400 có thể cung cấp cho Điện Kremlin các thông tin nhạy cảm về công nghệ tiên tiến của F-35.

Mới đây, các quan chức của chính quyền ông Biden đã nhắc lại lập trường mà chính quyền Trump đã quyết: Thổ Nhĩ Kỳ không thể có được F-35 trừ khi họ loại S-400 ra khỏi đất nước.

Các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai bác bỏ lựa chọn, thay vào đó đưa ra những thỏa hiệp khiêm tốn hơn rất nhiều.

Hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã ví việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống phòng thủ S-400 của Nga giống như việc Hy Lạp tiếp tục sở hữu S-300. Ông Akar cũng nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không sử dụng liên tục hệ thống này mà chỉ dùng khi có tính huống đe dọa.

Ông Hulusi Akar đề nghị, các đồng minh NATO nên “tìm giải pháp” cho những tranh chấp, nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện cho đến khi Mỹ “khôn ngoan” trong việc hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

Thổ nhĩ Kỳ coi các chiến binh do người Kurd lãnh đạo là một phần không thể tách rời của đảng Công nhân người Kurd, tổ chức bị Ankara nhận định là khủng bố.

Sau thông điệp của ông Akar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngay lập tức thể hiện quan điểm của Mỹ, chính quyền của ông Biden không quan tâm đến thỏa hiệp.

Hãng luật Arnold & Porter đã được công ty công nghiệp quốc phòng SSTEK thuê. Công ty này có trụ sở ở Ankara và do Chủ tịch của cơ quan Công nghiệp Quốc phòng sở hữu. Tháng 12/2020, chính quyền của ông Trump đã thực hiện các lệnh trừng phạt với Chủ tịch của cơ quan Công nghiệp Quốc phòng do mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Trước đó, Ankara đã thử hệ thống này và nó ngay lập tức phải nhận thái độ gay gắt từ Quốc hội Mỹ. Hành động này của Ankara đã kích hoạt Mỹ thực hiện điều 231 của Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt. Trừng phạt sẽ được thực hiện khi các quốc gia có giao dịch lớn với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trong cuộc họp thường niên ở cấp bộ trưởng NATO (17/2-18/2) tại Brussels, ông Akar cho biết, các lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm suy yếu sức mạnh của liên minh.

Hội nghị thượng đỉnh cấp Bộ trưởng này tập trung vào trọng tâm, thúc đẩy sự gắn kết sau những xáo trộn nội bộ trong những năm gần đây. Một trong những xáo trộn đáng kể nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đã “tăng gấp đôi tranh chấp với các đồng minh”.

Clip Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400:

HÒA AN (Theo AM)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-no-luc-lam-than-mong-my-nong-am-tro-lai-kho-nhu-len-troi-a506545.html