Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Mỹ và sự giằng co số phận Idlib

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có cuộc gặp lần hai trong vòng 10 ngày với Tổng thống Nga Putin nhằm tìm cách cứu phe nổi dậy ở Syria.

Chính phủ Syria vẫn chưa phát pháo bắt đầu chiến dịch tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy, và hy vọng ngăn chặn đổ máu vẫn còn, dù mong manh.

Theo Fox News, số phận phe nổi dậy giờ không còn nằm trong tay họ mà nằm trong tay nước ngoài. Cụ thể lần này là nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ - vốn ủng hộ phe nổi dậy. Nói với Fox News, ông Nabij Al-Mustafa - người phát ngôn một nhóm phe nổi dậy vẫn tự tin “cả thế giới đã bỏ cuộc trong việc bảo vệ chúng ta, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì không”.

Ông Erdordan liên tục gặp ông Putin vì Idlib

Tỉnh Idlib - bằng diện tích nước Lebanon - suốt bảy năm nội chiến vừa qua là trái tim của phe nổi dậy. Nơi đây hiện có ba triệu dân và hơn 60.000 tay súng nổi dậy, ở sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cuộc tấn công vào tỉnh Idlib là sự đe dọa nhiều mặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ - về khủng hoảng nhân đạo, ác mộng an ninh với việc hàng chục ngàn tay súng nổi dậy thất thủ.

Việc quân đội Syria chiếm tỉnh Idlib mà không có thỏa thuận nào đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ mất uy tín với phe nổi dậy và mất cả lợi thế trong bất kỳ thương lượng nào với chính phủ Syria trong tương lai.

Cậu bé Muhammed Halife 5 tuổi bị thương trong một trận thả bom ở tỉnh Idlib (Syria). LHQ đã cảnh báo nếu quân Syria tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo lớn nhất thế kỷ. Ảnh: AP

Theo ông Sam Heller - chuyên gia về Syria tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Thụy Sĩ), “Thổ Nhĩ Kỳ không có cách nào tránh được hậu quả tiêu cực một khi quân đội Syria và các đồng minh đánh vào tỉnh Idlib”.

Fox News cho rằng quân Syria sẽ chỉ phát pháo tấn công tỉnh Idlib một khi Nga bật đèn xanh. Đến lúc này, vẫn còn chút hy vọng vào các nỗ lực ngoại giao, dù yếu ớt. Nga vẫn muốn tranh thủ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang xuống thấp. Phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ biết điều này và muốn tận dụng điều đó làm áp lực để Nga chấp nhận đề xuất của mình tìm một giải pháp ngoại giao cho phe nổi dậy ở tỉnh Idlib.

Thời gian qua Thổ Nhĩ Kỳ đã hết lần này đến lần khác thuyết phục Nga và cả Iran – hai nước ủng hộ chính phủ Syria – đề nghị quân Syria không đánh vào Idlib, cùng tìm một giải pháp ngoại giao giải được quả bom hẹn giờ này.

Nỗ lực mới nhất, ngày 17-9 tại TP Sochi (Nga), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có lần gặp thứ hai với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vòng chỉ 10 ngày, trong nỗ lực cứu phe nổi dậy Syria.

Song song các nỗ lực ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều thêm quân triển khai quanh tỉnh Idlib, một bước đi có thể thấy nhằm ngăn chặn, làm chậm lại đà tấn công của quân Syria vào Idlib. Chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Syria bắt đầu từ hơn hai năm trước, với lý do đánh IS và lực lượng tay súng người Kurd (YPG).

Nga liệu có chiều Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo nhà quan sát tình hình Syria Fabrice Balanche tại Viện Chính sách Trung Cận Đông (Mỹ), hiện phe nổi dậy vẫn còn niềm tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi được tình thế. Theo ông, “trong tâm trí phe nổi dậy vẫn có hy vọng rằng từ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ họ có thể có được một nước cộng hòa ở bắc Syria, dưới sự bảo hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, như Cộng hòa Bắc Cyprus”.

Các lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ khả năng lớn sẽ là điểm đến của các tay súng nổi dậy và dân thường Syria không chịu theo chính phủ, một khi quân Syria chiếm tỉnh Idlib, Fox News nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rất nỗ lực cứu phe nổi dậy Syria. Ảnh: REUTERS

Nhiều chuyên gia nhận định Nga cũng muốn làm Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng ở Syria. Trong một bài viết trên báo al-Qabas (Kuwait), chuyên gia Mustafa Ellabbad về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ả Rập cho rằng: “Sau khi chứng tỏ ảnh hưởng của mình ở Syia và Trung Đông, Nga hiện đang muốn kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra xa khỏi phương Tây hơn là đạt được một chiến thắng quân sự trước phe nổi dậy Syria”.

Về phần hai đối tác còn lại, quân chính phủ Syria và các lực lượng dân quân Iran bảo trợ cũng muốn tránh đối đầu với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quan điểm của hai nước này rất rõ ràng: phải chiếm lại bằng được toàn bộ lãnh thổ Syria. Hơn nữa Syria và Iran càng không muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Syria. Từ đó có thể thấy khả năng Nga khó lòng chiều theo Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, dù có muốn.

Mỹ không còn nhiều lựa chọn

Về phần Mỹ, Washington Times dẫn nhận định một số nhà phân tích cho rằng Mỹ lúc này thật sự không còn nhiều lựa chọn. Sự không rõ ràng trong chính sách của Mỹ tại Syria trong bảy năm qua đã đẩy mọi lợi thế về tay Nga.

Những ngày này nhiều nghị sĩ Mỹ và các đối tác Mỹ khắp thế giới đang kêu gọi Nhà Trắng can thiệp trực tiếp vào Syria. Theo các đối tác thì Mỹ không thể làm ngơ trước nguy cơ thảm họa nhân đạo đang đến và các hậu quả địa chính trị nghiêm trọng nếu quân Syria đánh vào tỉnh Idlib.

Các tay súng tổ chức cực đoan Hay'at Tahrir al-Sham liên quan Al-Qaeda trong một buổi huấn luyện tại tỉnh Idlib (Syria). Ảnh do Ibaa News Network - cơ quan truyền thông của Al-Qaeda cung cấp cho AP ngày 20-8.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng đe dọa sẽ không kích nếu quân chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad một lần nữa sử dụng vũ khí hóa học – điều Mỹ đã làm hai lần trong hai năm 2016-2017. Bà Haley còn cảnh cáo sẽ có “hậu quả khủng khiếp” cho Nga và Iran nếu hai nước này tiếp tục các chiến dịch không kích vào phe nổi dậy ở tỉnh Idlib, mở đường cho quân Syria đánh vào.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích khu vực thì lựa chọn hành động của Mỹ sẽ không nhiều. Viễn cảnh có thể xảy ra là Mỹ sẽ tiếp tục có các phát ngôn cứng rắn và sẽ thực hiện không kích đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, không hơn.

Cả chính phủ Trump và chính phủ Obama tiền nhiệm đều tập trung vào các chính sách đánh IS ở Syria, không đưa ra được một kế hoạch thực tế nào lật đổ, thay thế chính phủ ông Assad. Vai trò rộng khắp của Nga ở Syria càng làm khó Mỹ vì Mỹ chưa bao giờ muốn xung đột với Nga ở Syria.

Phe nổi dậy Syria đã sẵn sàng chiến đấu

Cao điểm đã có lúc phe nổi dậy Syria kiểm soát hơn nửa lãnh thổ Syria. Sau hàng loạt trận thua quân chính phủ trong hai năm qua, tỉnh Idlib đón khoảng 20.000 tay súng nổi dậy từ các địa phương khác của Syria đổ về - theo các thỏa thuận đầu hàng, rút quân mà Nga góp phần thiết kế.

Hiện hơn 60.000 tay súng nổi dậy và ít nhất 10.000 tay súng nhóm cực đoan Hayat Tahrir al-Sham liên quan tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang tập trung ở tỉnh Idlib. Dân thường nếu không chịu tuân theo chính sách, luật lệ của chính phủ Syria cũng phải di chuyển về tỉnh Idlib. Hệ quả là dân số tỉnh Idlib đã tăng lên gần gấp đôi.

Các tay súng phe nổi dậy Syria ẩn náu trong một hang động bên ngoại TP Jisr al-Shughur ở tỉnh Idlib (Syria) ngày 9-9. Ảnh: AP

Theo Fox News, phe nổi dậy tỉnh Idlib đã sẵn sàng cho cuộc chiến quan trọng cuối cùng, tích cực kêu gọi người dân, đặc biệt thanh niên vũ trang, tham gia bảo vệ Idlib không lọt vào tay chính phủ Syria. Hiện một số lượng tay súng đã đào các đường hầm quanh các thị trấn, gia cố các hang động để ẩn náu, tăng cường các túi cát quanh các vị trí chiến đấu của mình.

Fox News dẫn lời ông Nabij Al-Mustafa, một người phát ngôn của phe nổi dậy cho biết các tay súng nổi dậy đã sẵn sàng cho một cuộc chiến mang tính “tồn tại sống còn”, rằng “mục tiêu của chúng tôi vẫn sẽ không chấm dứt dù chúng tôi có thua cuộc chiến này”.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/binh-luan/tho-nhi-kyngamy-va-su-giang-co-so-phan-idlib-792676.html