Thổ Nhĩ Kỳ muốn vẽ lại bản đồ hợp tác

Sau một thập niên đối đầu, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần đây đã có sự cải thiện đáng kể với những bước đi chủ động từ phía Ankara. Hợp tác kinh tế và liên kết đối trọng với Iran là những động cơ chính, nhưng bên cạnh đó còn là sự điều chỉnh toan tính chính trị, hứa hẹn tạo ra những cơ hội mới cho tình hình địa chính trị Trung Đông.

Gỡ dần những rào cản

Tháng 11-2021, Tổng thống Mohammed bin Zayed của UAE đã có chuyến thăm lịch sử tới Ankara. Tiếp đến, tháng 2-2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thực hiện chuyến thăm đáp lễ tới Abu Dhabi. Đây là một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ song phương, bởi trước đó ông Erdogan cáo buộc UAE đứng đằng sau âm mưu đảo chính chống lại ông vào năm 2016. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ông bin Zayed đã mang theo khoản cam kết đầu tư lên tới 10 tỷ USD. Tháng 1-2022, ngân hàng trung ương hai nước nhất trí về một khoản hoán đổi ngoại hối trị giá 5 tỷ USD. Còn trong chuyến thăm của ông Erdogan tới Abu Dhabi, hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận trong lĩnh vực đối phó thảm họa thiên tai, chống biến đổi khí hậu và khởi động hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Lễ đón ông Recep Tayyip Erdogan tại sân bay quốc tế Abu Dhabi, tháng 2-2022.

Lễ đón ông Recep Tayyip Erdogan tại sân bay quốc tế Abu Dhabi, tháng 2-2022.

Trong một quyết định bất thường vào tháng 4-2022, các cơ quan tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đình chỉ các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi để chuyển giao cho Saudi Arabia. Quyết định này được đưa ra sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài một năm giữa Ankara và Riyadh, như một bước nhượng bộ của ông Erdogan trước chuyến thăm đầu tiên trong vòng 5 năm tới Saudi Arabia vào cuối tháng 4-2022.

Trong các diễn biến nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ là bên chìa tay trước với Saudi Arabia và UAE, như một phần của nỗ lực cải thiện quan hệ với Israel và Ai Cập. Tìm kiếm cơ hội cải thiện nền kinh tế trong nước dường như là động lực chính để Ankara nỗ lực hàn gắn quan hệ với các nước trong khu vực. Việc này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ có sự thay đổi về lãnh đạo và các nước Vùng Vịnh có sự thỏa hiệp với nhau (giữa Qatar và các nước láng giềng) nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trên thực tế, bối cảnh chung cho phép các bên linh hoạt hơn về mặt ngoại giao. Ngoài ra, theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, việc UAE ra lệnh cấm vận với Sedat Peker, một tay trùm mafia chống đối Ankara, cũng là một lý do quan trọng để ông Erdogan thay đổi chính sách.

Quan hệ ấm dần giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước khu vực còn thể hiện qua sự thay đổi thái độ của các bên về tình hình Yemen. Sau các vụ lực lượng Houthi tại đây tấn công các lợi ích của UAE và Saudi Arabia hồi đầu năm. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố lên án và lần đầu tiên gọi nhóm này là “khủng bố”.

Đầu thập niên trước, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Vùng Vịnh đã có cơ hội cải thiện sau khi Saudi Arabia có ý định đưa Ankara vào liên minh chống Iran. Thậm chí, khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ và tham gia giai đoạn đầu của cuộc chiến do Saudi Arabia phát động tại Yemen, mặc dù sau đó đã rút lại. Năm 2015, Ankara tiếp tục tham gia liên minh chống khủng bố quân sự do ông bin Salman khởi xướng. Tuy nhiên, sự mặn mà này không kéo dài được lâu. Khát vọng ảnh hưởng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ gây lo ngại cho hầu hết các nước Hồi giáo dòng Sunni tại Vùng Vịnh.

Những thách thức phía trước

Còn bây giờ, các cuộc đối thoại hợp tác gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Vùng Vịnh tập trung vào hợp tác kinh tế. Hợp tác chính trị tạm được gác lại trong bối cảnh vẫn còn tồn tại ngờ vực lẫn nhau trước tham vọng và động cơ dài hạn của mỗi bên. Với UAE, cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với chủ trương thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế tận dụng lợi thế địa lý của đối tác nhất là khi Ankara đang gặp khó khăn tài chính ở trong nước và rất cần các khoản đầu tư bên ngoài. Với Saudi Arabia, đây là một thị trường lớn nhất khu vực Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ, chưa nói đến tiềm năng du lịch và các hợp đồng cung cấp vũ khí. Ngoài ra, tại Saudi Arabia và UAE, cảm nhận chung vẫn là Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có thể là một đối trọng với Iran. Các nước Vùng Vịnh lo ngại, kể cả khi một thỏa thuận hạt nhân được ký kết, Iran vẫn có thể mở rộng các hoạt động không thân thiện khác.

Mặc dù tham vọng bá quyền của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa nước này với các quốc gia Vùng Vịnh trong thập niên qua, quan niệm này rõ ràng đã bắt đầu thay đổi. Việc Riyadh và Abu Dhabi xích lại gần hơn với Ankara cho thấy Iran là một tác nhân, mặc dù chống lại Iran không nằm trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện diện quân sự của Ankara trong khu vực và việc nước này can dự vào cuộc chiến tại Libya và ở Biển Đỏ tiếp tục là vấn đề khiến các đối tác lo ngại.

Với Saudi Arabia, nước này đang chờ xem liệu sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho các chính sách khu vực của Riyadh có nhất quán hay không. Vì vậy, cách tiếp cận của Saudi Arabia với Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng và từ từ hơn so với UAE, với các cuộc đối thoại được xúc tiến. Ngoài ra, việc UAE sẵn sàng hợp tác cải thiện hình ảnh của chính quyền ông Assad ở Syria cũng là một động thái mà Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải mở lòng dù miễn cưỡng, trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria đang tạm lắng.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tho-nhi-ky-muon-ve-lai-ban-do-hop-tac-i660190/