Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm chơi trò 'đu dây' với Nga và Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang xích lại gần nhau nhiều hơn, song chính quyền Ankara cũng không sẵn sàng từ bỏ Mỹ. Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mạo hiểm theo đuổi chính sách 'đu dây' với cả hai cường quốc này.

Hóa giải căng thẳng

Trong nhiều thế kỷ qua, chính sách của châu Âu và Mỹ là giữ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tách biệt nhau, thậm chí là thù địch nhau.Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn đang cảm thấy rất hài lòng với những gì nước Nga đã thu được trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 4 năm qua, tình hình ở “mặt trận” phía Tây Nam nước Nga đã trở nên đầy hứa hẹn đến mức ông Putin có thể thừa nhận rằng mọi chuyện khó có thể diễn ra tốt đẹp hơn. Trục liên kết Nga-Thổ đã hồi sinh và được củng cố bằng mối quan hệ cá nhân của ông Putin với đối tác của ông ở Ankara là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Mọi chuyện dường như rất khác biệt vào 4 năm trước, khi căng thẳng leo thang ở Syria, nơi hai nhà lãnh đạo Moscow và Ankara ủng hộ những phe khác nhau. Một chiếc máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc Su-24 của Nga tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Phản ứng tức giận của ông Putin lúc đó từng khiến nhiều người nghĩ rằng chiến tranh có thể xảy ra. Sau đó, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng áp đặt những lệnh trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chiến tranh đã không xảy ra và ông Putin đã xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ rất khéo léo.

Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan cũng tìm cách cải thiện lại mối quan hệ với Nga khi nhận ra rằng ông và người đồng cấp Nga có những chương trình nghị sự chung nhất định. Tiến trình Astana là nơi điều này thể hiện kết quả rõ nhất. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thiết lập một cơ chế không bao gồm các thế lực như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho phép chính họ được kiểm soát Syria theo lợi ích của riêng mình. Cuộc tấn công miền Bắc Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc với một thỏa thuận khác với Nga, bao gồm các cuộc tuần tra quân sự chung giữa hai nước tại biên giới Syria.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc hạn chế sức mạnh của các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria, trong khi Moscow cũng “thiết kế” để Chính phủ Syria có thể kiểm soát những vùng lãnh thổ từng thuộc về Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn. Trong khi đó, người Kurd cảm thấy bị chính quyền Washington phản bội, song lại không thể chống lại sức mạnh của liên minh Nga-Thổ nếu không có sự ủng hộ của Mỹ.

Ông Erdogan đang mạo hiểm “đu dây” giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Ảnh tư liệu

Ông Erdogan đang mạo hiểm “đu dây” giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Ảnh tư liệu

Thổ xa lánh châu Âu và Mỹ

Một điểm đáng chú ý khác là ông Erdogan có thể buộc phải xích lại gần ông Putin hơn do những căng thẳng với EU. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chính quyền Ankara đơn phương tiến hành thăm dò dầu khí ngoài khơi Cộng hòa Cyprus - một nước thành viên EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả EU bằng sự lạnh lùng với cảnh báo rằng ông sẽ trả tự do hoặc hồi hương khoảng 1.200 tù nhân thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở lại EU. Sau đúng như những gì đã tuyên bố, Ankara đã cố gắng đưa 7 công dân Đức hồi hương và trục xuất một nhóm các công dân Ireland, Pháp và Đan Mạch có liên hệ với IS. Tổng thống Erdogan nói: “Những cánh cổng đã được mở và các thành viên IS sẽ bắt đầu được hồi hương. Khi đó, châu Âu sẽ phải tự giải quyết những vấn đề của riêng mình”.

Có thể nói, tầm nhìn của ông Putin đang dần hiện thực hóa. Sự bất mãn ngày càng tăng của ông Erdogan đối với châu Âu và mối quan hệ “thất thường” của ông đối với ông chủ Nhà Trắng Donald Trump có thể mang lại lợi ích cho Nga. Ai biết được, ông Putin thậm chí có thể trở thành nhà trung gian hòa giải cho một số thỏa thuận ngừng bắn khác giữa các bên trong thời gian tới? Tuy nhiên, ông Putin cũng nhận ra rằng đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của mình đang cố xây dựng mô hình cai trị tương tự ông và ngày càng trở nên giống chính ông Putin. Nếu đúng thì đây chính là một thành tựu lịch sử. Trong nhiều thế kỷ, Nga đã khao khát gia tăng ảnh hưởng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin đã thúc đẩy chương trình nghị sự này từ lâu. Năm 2004, ông trở thành tổng thống Nga đầu tiên đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1972. Nhiệm vụ của ông Putin có thể nói đã gần như hoàn thành.

Việc tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gia nhập liên minh quân sự với Nga nếu thành hiện thực sẽ là vinh quang tột đỉnh của ông chủ Điện Kremlin. Thổ Nhĩ Kỳ tự hào khi sở hữu lực lượng vũ trang lớn thứ hai của NATO. Thêm vào đó, với thương vụ mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu họ không từ bỏ hệ thống này. Tổng thống Trump dường như tin rằng những lời đe dọa và các biện pháp trừng phạt sẽ đủ để giữ cho Thổ Nhĩ Kỳ phải chiều lòng Mỹ, nhưng điều này còn xa mới trở thành hiện thực.

Câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến các quốc gia Trung Đông trở nên cảnh giác hơn. Cả ông Putin và ông Erdogan đều quan sát khu vực này qua lăng kính hẹp, trong đó chủ yếu tập trung củng cố lợi ích cá nhân và sức mạnh bản thân. Trong trường hợp cần thiết, ông Putin sẵn sàng loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad một cách tàn nhẫn nếu tìm được một thế lực phù hợp được Nga hậu thuẫn. Ông Erdogan cũng có thể "trở mặt" với bất kỳ bên nào không ủng hộ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd. Tuy nhiên, nếu có một ngày Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa hai siêu cường là Mỹ và Nga, Ankara sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi từ bỏ Mỹ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tho-nhi-ky-mao-hiem-choi-tro-du-day-voi-nga-va-my-170168.html