Thổ Nhĩ Kỳ làm nóng lại mặt trận Libya

Ankara tuyên bố việc tiếp tục huấn luyện quân sự cho quân đội Libya bất chấp các cảnh báo điều này đe dọa thỏa thuận hòa bình được LHQ ủng hộ.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/3 thông báo đã hoàn thành việc huấn luyện cho quân đội Libya theo thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước và sẽ tiếp tục đào tạo cho quân đội Libya.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện lực lượng quân sự tại Libya.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện lực lượng quân sự tại Libya.

Chương trình huấn luyện quân sự này được thực hiện theo thỏa thuận năm 2019 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và cựu Thủ tướng Libya Fayez Al-Sarraj về hợp tác an ninh và quân sự.

Khoảng 1.300 thành viên dân quân Libya đã hoàn thành khóa huấn luyện của Thổ Nhĩ Kỳ với 18 chương trình khác nhau. Các chương trình huấn luyện đã hoàn thành bao gồm sử dụng súng cối, hệ thống vũ khí phòng không, hệ thống radar và súng hiện đại.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận rằng khoảng một nghìn thành viên của lực lượng dân quân vũ trang được đào tạo tại các trường thuộc các lực lượng trên bộ, trên biển và không quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở về Libya. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục đào tạo cho quân đội Libya.

Tuy nhiên, Ủy ban quân sự "5 + 5" của Libya cho rằng, để ổn định đất nước cần trục xuất các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng ở Libya vào đầu năm 2020 bằng cách triển khai quân đội tới Tripoli theo biên bản ghi nhớ đã ký với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).

Sự ủng hộ mạnh mẽ về quân sự và chính trị được cam kết với chính phủ ở Tripoli đã loại bỏ kế hoạch của Tướng Khalifa Haftar nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô và thiết lập quyền kiểm soát ở đất nước giàu dầu mỏ với sự hỗ trợ của những quốc gia khác bao gồm Nga, UAE, Mỹ và Ai Cập.

Phía Ankara đã tự tin tuyên bố, nếu người Libya có thể nói về một tiến trình hàn găn chính trị trong nước, thì đó là nhờ sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các tuyên bố từ đầu năm, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhấn mạnh, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên phương châm “Một Libya” và sự hiện diện của họ ở nước này là nhằm đóng góp vào tiến trình hòa bình đang diễn ra ở quốc gia Bắc Phi. Điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân khỏi Libya và tiếp tục đào tạo lực lượng an ninh Libya.

Thêm vào đó, quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Libya theo lời mời của GNA và không thể được coi là "chiến binh nước ngoài" hoặc ngang bằng với lực lượng lính đánh thuê nước ngoài mà họ cáo buộc nhóm đánh thuê Wagner của Nga.

Tờ Hurriyet Daily News cho rằng, năm 2021 sẽ là một năm quan trọng đối với Libya, và sự đóng góp của Ankara vào các quá trình chính trị sẽ tiếp tục trong giai đoạn này theo đề xuất của các quan chức cấp cao song phương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuần trước cũng đã có cuộc điện đàm với Người đứng đầu Hội đồng Tổng thống Mohammad Younes Menfi và Tân Thủ tướng Abdul Hamid Mohammed Dbeibah và chúc 2 ông thành công trong nỗ lực hàn gắn hòa bình cho Libya.

Ngày 27/10/2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn lệnh ngừng bắn do các bên tham chiến tại Libya gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Libya đạt được trước đó vài ngày, đồng thời kêu gọi các bên hãy thực thi cam kết này một cách trọn vẹn.

HĐBA nhấn mạnh các lực lượng tại Libya cũng như các nước có can thiệp vào cuộc chiến ở Libya phải tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya, hiện đang vẫn đang có hiệu lực. HĐBA cũng đồng thời yêu cầu các nước bên ngoài không tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Libya.

Với các động thái mới nhất từ Ankara, tình hình ở Libya có thể nóng trở lại.

"Cái bắt tay" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở Libya bằng việc hỗ trợ quân sự đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước khi cho rằng động thái này có thể khiến tình hình quốc gia Bắc Phi thêm lún sâu vào bế tắc, đồng thời gây tranh cãi giữa một số nước trong khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trình bày về thỏa thuận hợp tác quân sự có được với Libya.

Tổng thống Ai Cập A.Sisi cảnh báo các ý định "kiểm soát" Libya của Ankara là mối đe dọa không chỉ đối với nước này, mà còn đối với vấn đề an ninh của Ai Cập.

Lo ngại những động thái của Ankara sẵn sàng can thiệp vào Libya, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow đã bày tỏ lo ngại rất lớn về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ đến Libya, cũng như thỏa thuận an ninh đã đạt được giữa hai nước này trong việc cải thiện năng lực quân sự của một bên tham chiến.

Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) nêu rõ, những diễn biến chính trị ở Libya đã đặt sự thống nhất của nước này vào chỗ nguy hiểm; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi.

UNSMIL tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một quan điểm quốc tế thống nhất về cuộc khủng hoảng Libya, đồng thời hối thúc người dân trở lại đối thoại, bảo vệ mạng sống của những người vô tội, chấm dứt hoạt động giao tranh, hạn chế sự can thiệp bên ngoài và ngăn chặn việc có thêm các thảm họa đối với dân thường.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tho-nhi-ky-lam-nong-lai-mat-tran-libya-3428470/