Thổ Nhĩ Kỳ không còn là 'lá bài' trong tay Mỹ để trấn yểm Syria?

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn biện minh cho Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này tấn công miền bắc Syria với lý do Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng Mỹ cần xem xét lại vì những hành động mà Ankara thực hiện giống như một địch thủ của Mỹ hơn là một đồng minh.

Từ tháng 10, đặc phái viên của Liên minh Toàn cầu chống IS tại Iraq và Cận Đông, Jim Jeffrey đã có phiên điều trần trước thượng viện Mỹ để thảo luận về quyết định của chính quyền tổng thống Trump ngừng hỗ trợ người Kurd tại Syria. Tuy cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chỉ trích chính sách của ông Jeffrey cùng hậu quả thảm khốc của nó đối với người Kurd, nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên với những điều ông đã nói.

Từ tháng 12 năm ngoái, sau cuộc làm việc nhóm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Jeffrey đã thông tin cho báo chí rằng hợp tác giữa Mỹ và người Kurd mang tính chiến thuật và tạm thời, quan hệ song phương giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ mới là vấn đề quan trọng: "Chúng tôi muốn có sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trên mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của Syria". Đó chính là logic mà những người ủng hộ ông Trump trong chính sách ngoại giao viện dẫn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Michael Doran, cựu quan chức chính quyền Bush, hiện là học giả tại Viện Hudson phát biểu: "Chúng ta đã mượn một đạo quân ủy nhiệm của Nga và Iran, đây là một sự ngốc nghếch về mặt chiến lược". Ông Doran cũng cho rằng: "Mọi người đều biết sớm hay muộn chúng ta sẽ rời đi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mãi mãi ở lại đó và người Thổ hiểu rất rõ điều này. Vì thế, chúng ta phải làm việc thông qua họ, chấp nhận phần lớn những điều kiện của họ".

Tuy nhiên, xảy ra một vấn đề rất cơ bản với lý lẽ trên. Tuy, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng là một đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ nhưng nếu như ông Jeffrey, ông Doran và những người ủng hộ chiến lược của ông Trump vẫn tin rằng người Thổ còn là bạn của mình, họ sẽ phải suy xét lại.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đang hành động để tự bảo vệ chính mình khỏi khủng bố. Nhưng những gì các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với những người đồng cấp Mỹ là một chuyện, những gì họ bàn bạc với các nhóm cực đoan trong khu vực lại là chuyện khác. Khi rót quân đội của mình dọc theo biên giới, tổng thống Erdoğan đã đưa lên dòng tweet bằng tiếng Ả rập: "Tôi hôn lên trán những thành viên anh hùng của đội quân Muhammad" đã hành quân và Syria. Đây không phải là tuyên bố thông thường của một lãnh đạo NATO.

Ông Erdogan không hành động bột phát. Vì, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Soylu đã trả lời phỏng vấn CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "tạo ra một thỏa thuận với ISIS" (IS tại Iraq và Syria, phân biệt với ISIL là IS tại Iraq và khu vực Cận Đông). Và đây có thể không phải là một sự hăm dọa. Lý do duy nhất để Mỹ liên minh với người Kurd tại Syria là vì có vô vàn chứng cứ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã gián tiếp nếu không phải là tích cực ủng hộ cho IS.

Bilal Erdogan, con trai của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh với một trong những thủ lĩnh IS.

Wikileaks đã tiết lộ email cá nhân của Berat Albayrak, con rể của ông Erdogan vào thời kỳ Albayrak là Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Nội dung email cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã có những nỗ lực để kiếm lời từ những nguồn dầu khí mà IS chiếm được. Trong trận Kobane, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép quân ISIS đánh thọc sườn quân phòng thủ người Kurd, và tấn công từ phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Những hộ chiếu và giấy tờ bắt được từ quân IS cho thấy hầu hết chúng đều công khai đi qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. ISIS thậm chí đã duy trì một đại sứ không chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ để giữ liên lạc với cơ quan tình báo nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sáp nhập các cựu binh IS vào đạo quân ủy nhiệm Quân đội Syria Tự do FSA.

Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria trong quá khứ làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về cam kết của nước này với toàn vẹn lãnh thổ của đất nước láng giềng. Vào 20.1.2018, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập quận Afrin ở tây bắc Syria. Hành động này được cho là để chống khủng bố. Họ đã ép buộc hàng chục nghìn người Kurd và những người theo Thiên Chúa Giáo phải bỏ trốn. Những ai ở lại buộc phải đổi thẻ căn cước Syria thành giấy tờ do Thổ Nhĩ Kỳ ban hành.

Người Kurd nói rằng những người phụ nữ ở lại đây không được cấp căn cước trừ phi họ đeo mạng che mặt. Bản đồ trên tivi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vùng bắc Syria (một phần của Iraq, Hy Lạp, Bulgaria và Armenia) sáp nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ. Và một lần nữa, đây cũng không phải là sự hăm dọa. Tại thị xã Jarabulus ở bắc Syria, họ đã mở một bưu điện dân sự có treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nữ chiến binh người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Mặc cho những lời cam đoan của ông Trump, yếu tố bi kịch nhất trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là sự ảnh hưởng tới tự do tôn giáo và dân cư địa phương. Một trong những mục tiêu đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là Bisheriya, vùng lân cận thành phố Qamishli, nơi có cộng đồng Thiên Chúa Giáo lớn nhất Syria.

Tại đây, nhiều ngôi nhà đã bị đốt, rất nhiều dân thường thiệt mạng dù không có quân đội của người Kurd trong khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đột kích vào thị trấn Amudeh, nơi có cộng đồng người Do Thái sinh sống. Kể từ khi chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu, đã có hơn 100.000 người phải bỏ nhà cửa chạy trốn. Rất nhiều chuyên gia tin rằng con số sẽ còn tăng vọt.

Không ai ngạc nhiên với những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại bắc Syria vì cái cớ gây chiến là "đánh khủng bố" đã được trù tính trước. Với tất cả những quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói về các nhóm khủng bố người Kurd tại bắc Syria - Họ và những người ủng hộ mình không thể đưa ra được bất cứ vụ tấn công nào gần đây được lên kế hoạch hoặc thực thi từ những thị trấn và làng mạc mà họ hiện đang oanh tạc.

Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ không còn là mới mẻ. Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm lược Cộng hòa Síp, bề ngoài là để bảo vệ hòn đảo có nhóm thiểu số người Thổ khỏi bị một hội đồng Hy Lạp tìm cách sáp nhập đảo Síp. Hy Lạp đã loại bỏ hội đồng này chỉ vài tuần sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, tới 45 năm sau, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục không chỉ chiếm đóng 1/3 miền bắc của Síp mà còn tìm cách để khai thác dầu trên lãnh hải của nước này.

Khi các nhà ngoại giao Mỹ và Châu Âu đưa ra những phản đối về hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ với đảo Síp, Egemen Bağış - cố vấn hàng đầu của ông Erdoğan, đã đe dọa dùng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các tàu thăm dò dầu khí của Mỹ hoạt động theo hợp đồng ký với đảo Síp. Ông Bağış tuyên bố: "Chúng tôi có hải quân để thực hiện điều này. Chúng tôi huấn luyện hải quân cho điều đó; Chúng tôi trang bị hải quân vì điều đó. Mọi sự lựa chọn đều đang sẵn sàng. Mọi điều đều có thể xảy ra". Với việc Thổ Nhĩ Kỳ trở nên hung hăng hơn, đảo Síp trở thành điểm bùng phát nguy hiểm nhất tại Châu Âu. Và ông Bağış đã được tổng thống trao phần thưởng với chức vụ đại sứ tại Cộng hòa Séc.

Lính Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, miền bắc Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn lòng đứng chung hàng cùng với các nhóm cực đoan cũng không có gì lạ. Khi một chi nhánh của al-Qaeda tràn vào Mali năm 2013 khiến Pháp phải can thiệp vào nước này, giáo sư thần học Ahmet Kavaş, người được ông Erdoğan chỉ định làm đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Chad đã đưa lên dòng tweet nói rằng al-Qaeda thực sự không phải là một nhóm khủng bố. Còn có nhiều bằng chứng về việc con trai của ông Erdogan có quan hệ với thủ lĩnh IS.

Thực tế, với những vấn đề liên quan tới chủ nghĩa khủng bố, ông Erdoğan luôn xung đột với các nước phương Tây. Năm 2006, chính ông Erdogan đã chào đón không chỉ Hamas mà còn mời 1 trong những lãnh đạo cao cấp của tổ chức này tới nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm mà cả Mỹ và Liên minh Châu Âu đang đòi hỏi Hamas phải từ bỏ chính sách khủng bố trước khi đạt được tính hợp pháp ngoại giao quốc tế.

Sau cuộc gặp đó, ông Erdoğan đã đi thăm lãnh tụ Hamas, Khaled Mashal tại Syria. Hai tháng trước đó, tổ chức khủng bố Boko Haram đã làm thế giới khiếp sợ khi bắt cóc 300 nữ sinh Nigeria - Trong vụ việc này có một đoạn băng tiết lộ cuộc đối thoại giữa Mustafa Varank, cố vấn của ông Erdoğan và Mehmet Karataş, thư ký riêng của CEO Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ. Trong băng có đoạn quan chứ hàng không nói rằng ông cảm thấy không thoải mái khi chuyển vũ khí tới Nigeria vì không rõ số vũ khí đó "được dùng để giết người Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo".

Ông Erdoğan đã có phản ứng gạt bỏ và phủ nhận khi được hỏi về hành động của nhà độc tài Sudan, Omar al-Bashir - người đã bị buộc tội diệt chủng do những hành động mà ông gây ra tại Darfur. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: "Không một người Hồi giáo nào có thể phạm tội diệt chủng".

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đang bắt tay để kiểm soát tình hình Trung Đông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những nỗ lực để giúp Iran tránh các lệnh trừng phạt quốc tế. Ngoài ra, ông Erdoğan còn có chính sách ngoại giao và quân sự thân Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũn từng đe dọa sẽ đình lại các quyết sách của NATO qua vụ đụng độ nhỏ năm 2010 với Israel. Những hành động như vậy làm dấy lên những mối nguy với NATO.

Vì NATO là một tổ chức thống nhất nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể biến thành con ngựa thành Troy của Nga trong tổ chức này, khiến cho mọi quyết sách bị đình lại và làm tê liệt tổ chức. Và khi những nhà chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, nếu có trường hợp như vậy thì NATO chỉ cần có hành động đơn giản là trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã sai vì không có một cơ chế chính thức nào trong NATO để trục xuất thành viên của mình.

Tổng thống Mỹ biện hộ cho việc ông bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công miền bắc Syria, bằng cách nêu lên tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh của Mỹ. Đây là thời điểm ông Trump cần tham khảo lưỡng đảng tại nghị viện để hỏi xem nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thì tại sao hành động của họ lại giống như hành động của một địch thủ?

Chuyết Ngôn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tho-nhi-ky-khong-con-la-la-bai-trong-tay-my-de-tran-yem-syria-94826.html