Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành cây cầu kỷ lục nối Âu-Á

Ngày 26/8, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khánh thành cây cầu Yavuz Sultan Selim, nối liền châu Âu và châu Á.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chụp ảnh trong ngày khánh thành cây cầu

Ngày 26/8, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khánh thành cây cầu Yavuz Sultan Selim, bắc qua eo biển Bosphorus, nối liền châu Âu và châu Á, ở TP Istanbul. Đây là cây cầu biểu tượng mang nhiều ý nghĩa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỷ lục thế giới

Yavuz Sultan Selim, chiếc cầu thứ ba bắc qua eo biển Bosphorus, được xem là cây cầu rộng nhất thế giới, với độ rộng mặt cầu tới 58,4m với 8 làn xe chạy và hai đường ray. Cầu dài hơn 2km, cao khoảng 1,5km so với mặt biển. Cầu Yavuz Sultan Selim sẽ là cầu treo dài nhất thế giới có một hệ thống đường ray. Kiến trúc sư người Pháp Michel Virlogeux, một trong những kiến trúc sư hàng đầu thế giới cho rằng: “Cây cầu này sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào số những nước tiên phong thế giới. Đây là công trình nổi tiếng nhất được xây dựng trong những năm gần đây”.

Cầu Yavuz Sultan Selim được xây dựng theo kiểu cây cầu treo Brooklyn ở New York (Mỹ). Chiều cao của tháp cầu Yavuz Sultan Selim ở Garipce về phía châu Âu là 322m - cao hơn cả tháp Eiffel và tháp kia ở quận Poyrazkoy phía châu Á cao 318m. Nó được xếp vào hàng những cây cầu lớn nhất thế giới về độ rộng mặt cầu, chiều cao tháp cũng như chiều dài phần bắc qua mặt biển của cầu. Cầu này được xem là giải pháp giảm bớt ách tắc giao thông cho TP Istanbul 14 triệu dân và là trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa và truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự án xây dựng cầu treo Yavuz Sultan Selim được khởi động năm 2013 có chi phí ước tính lên tới 3 tỷ USD. Đây là công trình thuộc một siêu dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng lên tới 200 tỷ USD mà Tổng thống Tayyip Erdogan đặt ra trong vòng 10 năm. Cầu được xây dựng bởi Công ty Astaldi của Italia và IC Ictas có trụ sở tại Istanbul. Hai công ty này sẽ cùng điều hành cây cầu trong khoảng 10 năm.

Tranh cãi

Tuy nhiên, việc xây dựng cây cầu gây một số tranh cãi. Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng, dự án sẽ làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước và làm gia tăng tình trạng phát quang rừng ở phía Bắc Istanbul, thành phố vốn đã thiếu nhiều không gian xanh. Theo họ, vấn đề giao thông đã không được giải quyết bằng hai cây cầu trước thì sẽ không thể giải quyết bằng cây cầu thứ ba này. Các chuyên gia kinh tế thì cảnh báo chi phí của một công trình xây dựng quy mô lớn như thế này là không bền vững.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tho-nhi-ky-khanh-thanh-cay-cau-ky-luc-noi-au-a-d166225.html