Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài căng thẳng, EU lại dọa trừng phạt

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và tàu thăm dò tiếp tục hiện diện ở Đông Địa Trung Hải hơn 10 ngày so với dự kiến.

Ngày 1/11, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia hạn nhiệm vụ của tàu thăm dò Oruc Reis tại vùng biển tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải dù phía Hy Lạp từng cảnh báo rằng những động thái này cản trở các nỗ lực tháo gỡ mâu thuẫn song phương.

Tàu thăm dò Oruc Reis tại vùng biển tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải

Tàu thăm dò Oruc Reis tại vùng biển tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải

Trong thông báo mới nhất trên hệ thống cảnh báo hàng hải quốc tế NAVTEX, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tàu Oruc Reis sẽ ở lại vùng biển trên tới ngày 14/11, lâu hơn 10 ngày so với thông báo mà lực lượng này đưa ra ngày 28/10.

Hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở Địa Trung Hải lâu nay là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thông báo trên NAVTEX được đưa ra trong vòng gần 24 giờ sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh xảy ra trận động đất lớn ở vùng Samos.

Động thái từ Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ khi quyết định kéo dài thời gian thăm dò của tàu Oruc Reis có thể càng khiến căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp.

Từ khi Ankara tuyên bố đưa tàu thăm dò địa chất ra khu vực mà Hy Lạp luôn tuyên bố chủ quyền trên biển của họ, Hải quân Hy Lạp đã tạp ra một "bức tường" chống lại các thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ. CNN mô tả, Hải quân Hy Lạp đã "tạo ra một lá chắn phòng thủ khổng lồ xung quanh các hòn đảo ở phía Đông egean và chủ yếu ở "vòng cung" Kastelorizo - Karpathos - Kasos - Crete.

Liên quan đến tình hình này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên án "các hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải, các hành động khiêu khích và hùng biện, hoàn toàn không thể chấp nhận được."

Theo ông Charles Michel, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cơ hội cho một chương trình nghị sự tích cực ở Ankara, "nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không chọn con đường này".

Trước đó, người đứng đầu nhóm nghị sĩ Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu, Manfred Weber, đã gửi thông điệp qua Twitter rằng "không còn cách nào khác" và các nhà lãnh đạo EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng Tám vừa qua.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu. Khi đó, Ankara khẳng định việc rút tàu khảo sát Oruc Reis không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, từ ngày 12/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lại tàu khảo sát Oruc Reis tại khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải. Hy Lạp sau đó khẳng định sẽ không tiến hành đàm phán nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút tàu Oruc Reis ra khỏi vùng tranh chấp.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tho-nhi-ky-keo-dai-cang-thang-eu-lai-doa-trung-phat-3421708/