Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ kế hoạch triển khai S-400 để đổi lấy 10 tỷ USD từ Mỹ?

Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ đưa hệ thống phòng không S-400 Triumf vào trực chiến từ tháng 4/2020 nhưng mốc thời gian trên đã bị chậm trễ, điều này dẫn đến một vài lý giải từ truyền thông quốc tế.

 Việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn đưa tổ hợp S-400 Triumf vào hoạt động ban đầu được giải thích là do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng lý do này không thuyết phục được nhiều người.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn đưa tổ hợp S-400 Triumf vào hoạt động ban đầu được giải thích là do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng lý do này không thuyết phục được nhiều người.

Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Erdogan có toán tính riêng khi hợp tác với Nga trong việc mua sắm hệ thống phòng không S-400 và bắt đầu chất vấn nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khi thời hạn đưa S-400 vào hoạt động đã không diễn ra như kế hoạch ban đầu.

Trang Al Monitor cho biết: "Khi Nga bắt đầu cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm ngoái, quốc gia thành viên NATO gần như có tâm trạng lễ hội”.

“Trong những ngày sau đó, các kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phát sóng trực tiếp sự xuất hiện của máy bay vận tải Nga tại căn cứ không quân gần Ankara để bàn giao các thành phần của S-400".

"Cùng thời gian đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, hệ thống S-400 chính thức trực chiến vào tháng 4/2020. Các tên lửa đến bằng đường biển vào tháng 12/2019 và Ankara đã thử nghiệm tổ hợp này".

"Sang tháng 1/2020, các sĩ quan được đào tạo ở Nga để vận hành hệ thống S-400 đã chính thức được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm vào các chức vụ mới", tạp chí quân đội Nga trích dẫn thông tin từ Al Monitor.

Hóa ra lý do giải thích cho sự chậm trễ đưa S-400 vào hoạt động là do Tổng thống Erdogan bắt đầu hợp tác với Mỹ, đặc biệt khi Ankara mong muốn sẽ nhận được khoản tiền trị giá 10 tỷ USD từ Washington để đổi lấy việc từ chối S-400, ít nhất là tạm thời.

"Lúc bấy giờ, Ankara đã nộp đơn lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để kết thúc giao dịch hoán đổi tiền tệ, mong muốn nhận được tới 10 tỷ USD trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm”.

“Do các vấn đề chính trị nội bộ, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, nếu vận hành S-400 vào lúc này thì nỗ lực của Ankara sẽ tiêu tan", thông tin cho biết.

Hơn nữa, giới truyền thông cho rằng việc kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf vào lúc này có thể dẫn đến áp lực từ phe đối lập.

Đặc biệt thời điểm hiện tại, hàng ngàn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tên lửa ở Syria, dẫn đến yêu cầu phải nhanh chóng đưa S-400 tới biên giới.

"Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu áp lực nội bộ trong việc kích hoạt S-400 để bảo vệ binh sĩ ở Idlib".

"Khoảng 22.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được triển khai tại 56 tiền đồn giáp tỉnh Idlib và tại chính Idlib”.

“Trên thực tế, hiện tại họ không có bất kỳ sự bảo vệ nào trước các tên lửa đất đối đất cũng như không đối đất, và điều này đã dẫn đến cái chết của 61 binh sĩ kể từ cuối tháng 2/2020".

Tuy nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ điều động S-400 Triumf tới chiến trường Idlib sẽ trực tiếp gây xung đột với Nga, đây cũng là điều mà Ankara luôn tránh né.

"Đó là lý do tại sao Tổng thống Erdogan quyết định hoãn triển khai chiến đấu đối với hệ thống phòng không S-400, điều này sẽ tránh được các vấn đề với Mỹ cũng như một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước", Al Monitor tóm tắt.

Việt Dũng (Theo Avia-pro/Al Monitor)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tho-nhi-ky-huy-bo-ke-hoach-trien-khai-s400-de-doi-lay-10-ty-usd-tu-my/851807.antd