Thổ Nhĩ Kỳ dọa rời NATO, liên minh quân sự sắp tan rã?

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO lại tiếp tục chứng kiến một bước thụt lùi khi vừa qua trợ lý cấp cao của Tổng thống Erdogan được cho là đã đề nghị Quốc hội cân nhắc lại tư cách thành viên của Ankara trong khối liên minh.

Những rạn nứt trong thời gian qua giữa Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại tiếp diễn khi mới đây ông Yalcin Topcu, cố vấn của Tổng thống Tayyip Recep Erdogan, khẳng định quốc gia này nên xem xét lại tư cách thành viên trong liên minh.

Lính Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành ngoài lăng của nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk.

Lính Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành ngoài lăng của nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk.

“Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trong tổ chức này (NATO) ngày càng đáng nghi vấn”, ông Topcu nói, đồng thời khẳng định hành vi của liên minh đối với Ankara luôn “tàn bạo và thiếu tôn trọng”.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cho rằng Ankara đã đủ lớn mạnh và có khả năng hoạt động độc lập mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của NATO.

“Hiện tại, có một Thổ Nhĩ Kỳ khác xa rất nhiều so với 15 năm về trước xét về mọi mặt, từ kinh tế tới công nghiệp quốc phòng, từ thương mại tới ngoại giao. Đã có một Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất được vũ khí và xe tăng của riêng mình”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Diễn biến trên diễn ra không lâu sau vụ việc chân dung của ông Erdogan và nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk xuất hiện trên bia mục tiêu được chỉ định dành cho “kẻ thù” trong cuộc tập trận của NATO ở Na Uy. Sự kiện này như “giọt nước tràn ly” làm bùng nổ sự giận dữ từ phía Ankara sau một thời gian mối quan hệ giữa hai bên liên tục trượt dài.

Nhận xét về tình hình hiện tại, ông Yunus Soner, Phó Chủ tịch đảng Kemalist Vatan (đảng Yêu nước) của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Ankara rút khỏi NATO là điều gần như không thể tránh khỏi. Theo ông, tới bây giờ mới bắt đầu đặt ra câu hỏi về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ đã là quá muộn, bởi trong thực tế Ankara đã bắt tay khởi động quá trình này.

“Một ví dụ cho thấy điều đó: Ankara cùng Nga, Iran và Iraq đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq, chứ họ không làm điều đó với NATO. Một bằng chứng khác về sự rút lui của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO là chính sách về Syria. Quan điểm của Ankara về cuộc chiến hoàn toàn không phù hợp với chiến lược của NATO, mà nó được định hình sau các vòng đàm phán với Nga, Iran và Syria”, chính trị gia giải thích.

Bên cạnh đó, những rạn nứt cũng được minh chứng rõ trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngoại giao Qatar vừa mới đây. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đề xuất của Washington kêu gọi các quốc gia Arab theo đạo Hồi dòng Sunni thành lập một “liên minh NATO Arab” đặt dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia.

Ankara gần đây cũng không còn tỏ ra hứng thú với việc hợp tác với NATO. Họ đã chứng minh cho các đồng minh phương Tây thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều sự lựa chọn khác để hợp tác như Nga và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.

“Tóm lại, dù vẫn xuất hiện những tương tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong lĩnh vực quân sự và công nghệ nhưng chính sách đối ngoại của Ankara từ lâu đã không còn được quyết định bởi tư cách thành viên của họ trong khối nữa. Do vậy, câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rút khỏi NATO hay không cho tới nay không quá khó để biết lời đáp”, ông Soner nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Chính trị gia Soner đồng thời nhấn mạnh: “Thời điểm quan trọng và đáng chú ý nhất trong tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ tách NATO không chỉ là khi Ankara theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập mà còn là lúc họ xóa sạch mọi yếu tố liên quan tới NATO trong lực lượng vũ trang của mình, điều mà giới chức Mỹ đã thừa nhận và luôn quan ngại”.

Cũng theo ông Soner, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả liên minh. “Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều phương án thay thế, ví dụ tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Điều đó có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Do đó, rút khỏi NATO và tham gia những cấu trúc khu vực Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa lục địa này lên một tầm cao mới”, chính trị gia nhấn mạnh.

Khoảng cách ngày càng rộng giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình để lộ sự chia cách từ trong nội bộ khối. Sau cùng, không chỉ riêng Ankara mà còn nhiều quốc gia châu Âu khác cũng sẽ tự tách mình ra khỏi liên minh này, ông Soner đặc biệt lưu ý.

“Một vài quốc gia thành viên NATO đã bày tỏ quan ngại về hoạt động của khối tại Ukraine, trong khi Anh, Đức, Pháp đặc biệt chú ý tới sự thay đổi lập trường của Washington về vấn đề Iran. Về lâu dài, toàn bộ các nước này sẽ nối bước Thổ Nhĩ Kỳ, tìm kiếm một hệ thống an ninh mới và khi ấy Mỹ sẽ bị bỏ lại một mình trong liên minh mà chính họ tạo ra. Định hướng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở ra những thay đổi cơ bản trong NATO”, chính trị gia Soner kết luận.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-doa-roi-nato-lien-minh-quan-su-sap-tan-ra--a349508.html