Thổ Nhĩ Kỳ đếm ngược thời gian bỏ Mỹ - rời NATO?

Rõ ràng Ankara-Erdogan rất cần cho Washington-Brussels, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể bỏ Mỹ - rời NATO, dù quan hệ có gia tăng căng thẳng...

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đếm ngược thời gian bỏ Mỹ - rời NATO

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với một khủng hoảng toàn diện, sau khi đồng nội tệ có cú sốc sụt giảm giá trị kinh hoàng - khi chỉ riêng ngày 10/8 đồng lira đã mất tới 18% giá trị, khiến đồng tiền này đã mất 40% giá trị từ đầu năm tới nay.

Nguyên nhân của tình trạng này là do một loạt các đòn trừng phạt được Washington tung ra nhắm vào Ankara, trong đó nguy hại nhất là việc tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu nhôm, thép từ Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trường Mỹ.

Trong khi đó về mặt chính trị, tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng liên tục được "thêm mắm thêm muối", khiến sự căng thẳng giữa Ankara với Washington ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

Tổng thống Trump ký thông qua NDAA 2019, trong đó quy định nhất bên trọng nhất bên khinh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ấn Độ

Ngày 13/8 Tổng thống Trump đã phê chuẩn Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2019 (NDAA), có quy định cấm giao máy bay tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đến khi Lầu Năm Góc nhận được báo cáo về quan hệ với nước này trong 90 ngày tới.

Quyết định này được cho là nhẳm trả đũa Ankara trong việc mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, vậy nhưng với Ấn Độ - cũng mua S-400 - thì Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ năm 2019 lại không ngăn cản hành động của New Delhi.

Trong khi nằm trong NATO, song Thổ Nhĩ Kỳ hiện không còn trông cậy nhiều vào tổ chức này, khi cả Washington và Brussels đều xem Erdogan là "cái gai phải nhổ", nên có nhiều hành động dứt tình Ankara, nhất là sau đảo chính Erdogan bất thành.

Sau khi bị Tổng thống Erdogan tố cáo là đứng sau lực lượng đảo chính, NATO đã có những hành xử bị xem là quá đáng với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, khi cho binh sĩ lấy lấy ảnh của Erdogan làm bia ngắm bắn trong cuộc tập trận tại Na Uy.

Trong khi đó, ở cuộc chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không những tấn công người Kurd - lực lượng được Mỹ bảo trợ - mà còn đứng về phía Nga trong việc khống chế vai trò của Mỹ và NATO tại ván cờ này.

Rõ ràng, sự lệch pha giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ-NATO ngày càng mở rộng, mà thiệt hại của Ankara trước đồng minh ngày một lớn hơn. Điều đó khiến có nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đếm ngược thời gian để "bỏ Mỹ-rời NATO".

Theo quan điểm của người sáng lập Media Disobedient, ông William Craddick, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ-NATO giờ đây chỉ còn là mang tính hình thức, nên việc "chia ly" luôn trong trạng thái sẵn sàng giữa các bên.

Ankara và Washington-Brussels chưa "dứt tình" vì còn một số trách nhiệm mang tính ràng buộc. "Họ có những vấn đề an ninh đang cân nhắc, những căng thẳng ngoại giao cần giải quyết và những khó khăn đang gặp phải", ông Craddick nhận định.

Đồng lira mất giá trị vì trừng phạt Mỹ

Ông Craddick cho rằng, về mặt địa chính trị-địa chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ “luôn có vai trò quan trọng trong mọi cuộc chơi và đó được xem là sợi dây cột chặt Mỹ-NATO với Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngày 13/8, sau khi Mỹ công bố NDAA, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu vẫn tuyên bố "Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ quan hệ thân thiện truyền thống và liên minh NATO thông qua đối thoại, chứ chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ áp đặt nào".

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan thì liên tục chỉ trích trừng phạt của Mỹ và xem đó là là hành vi "đâm lén ở sau lưng, mà mục tiêu là buộc Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế-tài chính đến chính trị-ngoại giao", theo The Telegraph.

Theo ông William Craddick thì : "Khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, sẽ khiến người ta liên tưởng đến những gì đã thấy ở Libya và Syria". Và đó là lời cảnh báo của Mỹ-NATO với Ankara và Erdogan.

Để tránh nguy hại đó thì Thổ Nhĩ Kỳ cần phải rút khỏi NATO, hướng tới liên minh với những thực thể khác mà ở đó chủ quyền và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ luôn được tôn trọng. Và liên minh với Nga được xem là đích mà Ankara-Erdogan hướng tới.

Thổ Nhĩ Kỳ mất rất nhiều mà được chẳng bao nhiêu khi rời NATO - bỏ Mỹ

Giới phân tích cho rằng, dù quan hệ giữa Thổ Nhĩ với Mỹ-NATO có gia tăng căng thẳng thế nào đi nữa, thì việc chia tách cũng sẽ không diễn ra. NATO chưa thể tiễn một thành viên rời khỏi tổ chức này, bởi các bên "chỉ lệch pha, chưa lệch chuẩn".

Từ phía Ankara, sự lệch pha chỉ là hành động giận dỗi của Tổng thống Erdogan vì ngán ngẩm với vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO là “trách nhiệm thì lớn mà quyền lợi không nhiều”, nên đã hướng về Nga như một đối tác chiến lược tiềm năng.

Song Moscow-Ankara chỉ là đối tác, chứ không thể là đồng minh, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ "rời NATO - bỏ Mỹ", ít nhất là trong triều đại Erdogan. Bởi nền tảng cho quan hệ chiến lược Moscow-Ankara không thể xác lập theo tính khí của Erdogan.

Dù bộ đôi Putin-Erdogan thân thiết thì Moscow cũng không thể xác lập niềm tin chiến lược với Ankara

Điều đó thể hiện rất rõ qua lối hành xử của Ankara trong ván cờ Syria. Vì vậy, dù Moscow chọn Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là đột phá khẩu vào vòng vây cấm vận của Mỹ-phương Tây, thì quan hệ Nga-Thổ cũng chỉ nằm ở tầm đối tác chiến lược.

Lợi ích khai thác được từ Nga không thể thay thế được lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ có được nhờ vị thế thành viên NATO. Phải khẳng định rằng để có được quy mô kinh tế nằm trong tốp 20 thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc rất lớn vào quan hệ với Mỹ và EU.

Dù EU vẫn là "giấc mộng" với Thổ Nhĩ Kỳ, song vị thế thành viên NATO đã giúp quan hệ giữa quốc gia này với liên minh kinh tế hùng mạnh phát triển sâu rộng và có nhiều ưu ái hơn các quốc gia ngoài NATO khác, bởi EU là "anh em song sinh của NATO".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-dem-nguoc-thoi-gian-bo-my--roi-nato-3363689/