Thổ Nhĩ Kỳ đang tung hứng kiếm F-35 và khiên S-400

Với việc mua S-400 và lời khẳng định sẽ được bàn giao máy bay F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đang có sự tự tin tuyệt đối vào kế hoạch của mình.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mavlut Cavusoglu cho biết hôm 19/4, các hệ thống phòng không S-400 hiện đại sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho máy bay chiến đấu F-35 nếu được chuyển giao vào biên chế quân đội Thổ.

"Chúng tôi đã không thể nhận được các hệ thống như vậy (hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại) từ đồng minh của mình trong vòng 10 năm. Và bây giờ chúng tôi nhận được S-400 từ Nga. Mỹ nói rằng S-400 làm tăng tính tổn thương của máy bay F-35, còn chúng tôi không hề nghĩ như vậy" - Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết.

Ông Cavusoglu nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đề xuất thành lập một ủy ban chung gồm nhiều chuyên gia vũ khí hàng đầu, của cả chúng tôi và từ các nước NATO, và Mỹ. Ủy ban này sẽ đánh giá về cách Ankara vận hành S-400 và F-35 song song. Nhưng Mỹ cho đến nay vẫn chưa phản hồi gì từ ý tưởng rất tích cực này của chúng tôi".

Thổ sẽ nhận S-400 vào tháng 7/2019

Thổ sẽ nhận S-400 vào tháng 7/2019

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lập luận: "Các hệ thống S-400 đã xuất hiện ở khu vực này, tại Syria. Máy bay F-35 NATO bay hàng chục lần quanh đó. Rồi F-35 bay tại Na Uy, trong khi các hệ thống S-400 đóng ở phía bên kia biên giới của Nga. Không ai lo lắng về điều đó sao?

Các đồng minh NATO của chúng tôi phải hiểu rằng chúng tôi cần các hệ thống phòng không rất khẩn cấp, và nếu chúng tôi không nhận được chúng từ đồng minh của mình, thì chúng tôi sẽ tìm nguồn cung cấp khác, đây là nhu cầu phòng vệ tất yếu".

Lô hàng S-400 đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 tới đây. Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ đơn phương hủy hợp đồng với Ankara vì kế hoạch mua S-400 này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã được bàn giao 3 chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này, đồng nghĩa với việc, họ sẽ nắm trong tay những bí mật quân sự của cả S-400 và F-35.

F-35 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, được cho là chủ lực của sức mạnh không quân Mỹ và đồng minh trong hàng chục năm tới. Đã có hàng nghìn chiếc máy bay được phép cất cánh và đang được sản xuất. Nếu phương Tây vượt trội hơn Nga về những thanh gươm trên bầu trời, thì Nga lại trội hơn về những tấm khiên dưới mặt đất.

Moscow không chỉ sở hữu S-400 mà còn cả S-500 và sắp trình làng S-600. Đây đều là những hệ thống tên lửa phòng không có khả năng phát hiện và tiêu diệt máy bay tàng hình.

Điều gì sẽ xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ có cả khiên và kiếm? Trước hết, Ankara đang hoạt động dựa trên nguyên tắc lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ là trên hết. Họ cần vũ khí phòng thủ nhưng đồng minh không bán, họ đi mua của nước khác. Và Nga là lựa chọn tốt nhất, chẳng phải trước khi mua S-400 của Nga, đã có thông tin Thổ Nhĩ Kỳ còn tính mua cả hệ thống phòng không Hồng Kỳ của Trung Quốc?

Đến khi Mỹ vội vàng đề nghị bán Patriot cho Ankara, họ cũng chấp nhận. Điều này có nghĩa Thổ muốn đa dạng hóa kho vũ khí của mình, và không bị phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung cấp nào. Điều này chỉ tái khẳng định vấn đề duy nhất: Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tin chính mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có 3 chiếc F-35 trong tay

Đối với Mỹ và đồng mình, họ có nhiều trải nghiệm không tốt đẹp. Năm 2015, Mỹ rút hệ thống Patriot khỏi quốc gia này. Trong năm đó, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Khi đó Thổ với tư cách là thành viên NATO, còn Nga đang đối đầu sâu sắc vì vấn đề bán đảo Crimea và khủng hoảng ở Ukraine.

Hai nước xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao và nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang rất nhanh. Nhưng không một quốc gia NATO nào điều quân bênh vực Ankara khi đó. Điều này đặt ra dấu hỏi, điều luật cho phép đồng minh bảo vệ lẫn nhau đang nằm ở đâu với NATO thời hiện đại?

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu trong tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng. Nếu không có khoản kinh phí 6 tỷ USD mỗi năm, Thổ hoàn toàn có thể mở cửa biên giới và thả hàng triệu người tị nạn từ Trung Đông vào châu Âu.

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tin tưởng đồng minh thêm nữa và họ phải có những hành động tự bảo vệ. Hiện tại, nếu Mỹ tiếp tục o ép, Thổ có thể đưa tất cả thông tin bí mật của F-35 cho Nga, như làm thế nào để phát hiện, quỹ đạo bay, khả năng gia tốc, khả năng tàng hình...

Ngược lại, nếu Nga lật bài và có mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Mỹ thay đổi quan hệ theo chiều hướng tích cực, tôn trọng, Ankara có thể bán bí mật S-400, xương sống hệ thống phòng thủ Nga cho Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế địa chính trị quan trọng, và giờ họ nắm cả bí mật của tấm khiên nước Nga và mũi kiếm bầu trời của Mỹ. Họ ở trong thế chủ động với tình huống này trước cả hai cường quốc, và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ đang được đặt lên cao nhất.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-dang-tung-hung-kiem-f-35-va-khien-s-400-3378572/