Thổ Nhĩ Kỳ đang đùa với quyền bá chủ Mỹ

Trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một thảm họa địa chính trị của Mỹ-NATO tại Trung Đông thì không đúng giá…

Không có một dấu hiệu, biểu hiện nào rõ ràng, minh bạch hơn về sự suy giảm nghiêm trọng quyền bá chủ Mỹ như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO, đã bất chấp ngăn cản, đe dọa trừng phạt của kẻ đứng đầu NATO là Mỹ, đã quyết định mua vũ khí Nga – kẻ thù trực tiếp của Mỹ-NATO. Hành động này, trong thực tế (de facto) Thổ Nhĩ Kỳ đã không là thành viên NATO.

Tại sao Ankara quyết định mua S-400?

Logo của đơn vị S-400 đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ

Logo của đơn vị S-400 đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ

Thật ra câu hỏi này đã có rất nhiều câu trả lời nhưng chưa tập trung vì có nhiều ý đồ của đôi bên chưa lộ rõ, và bây giờ khi đã “tiền trao cháo múc”, đơn vị S-400 đã đến tay Thổ Nhĩ Kỳ thì những quân bài đã mới được lật…

Cần nhớ lại, kể từ khi gia nhập NATO năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn phụ thuộc vào bộ máy quân sự của Mỹ. Bất kỳ hoạt động nào cũng được phối hợp với Mỹ và lực lượng phòng không của Mỹ bao phủ bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ. Họ - Thổ Nhĩ Kỳ không có lực lượng phòng không độc lập cho riêng mình

Ankara cần S-400 để làm gì? Tất nhiên là để họ có hệ thống phòng không độc lập, giữ chủ quyền vùng trời của mình.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Erdogan cần S-400 để bảo vệ mình, phòng chống đảo chính quân sự bằng đường không từ kinh nghiệm xương máu đã xảy ra 3 năm trước đây khi cuộc đảo chính quân sự được sự hỗ trợ đắc lực nhất của máy bay F-16 tấn công vào phủ tổng thống và tòa nhà quốc hội mà không có hệ thống phòng không ngăn chặn…

Mục tiêu chủ yếu của S-400 là gì? Là toàn bộ không quân, tên lửa hay các vật thể bay của EU tức là các thành viên NATO của châu Âu trong cuộc tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền ở Bắc Síp và Địa Trung Hải với các mỏ dầu và khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ đã, đang tuyên bố, thực hiện.

Trong cuộc tranh chấp này, EU, NATO tuyên bố ủng hộ Hy Lạp và Cộng hòa Síp, đe dọa can thiệp và trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi vũ khí Mỹ như Patriot…không bắn được các vật thể bay của NATO của Israel, Iraq, của lực lượng người Kurd, như máy bay, tên lửa…mà chỉ có S-400 hoặc hệ thống phòng không các loại do Nga sản xuất mới bắn hạ được chúng. Vậy thì lựa chọn của Ankara là gì, không cần quá thông minh để hiểu.

Như vậy, chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể giải quyết được bởi S-400 hay ít ra là như thế, cho nên, chính quyền tổng thống Erdogan đã lựa chọn. Sự lựa chọn ngặt nghèo, cân não có tính sống còn bởi đụng đến S-400 là đụng đến đòn trừng phạt của Mỹ chứ không đơn giản như ai đó tưởng…

Tại sao Mỹ chưa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Thực tế là bất kỳ một ai có chút kiến thức về quân sự đều không thể chấp nhận tình huống Thổ Nhĩ Kỳ vừa có S-400 vừa có F-35 là hợp lý. Nếu như điều đó xảy ra thì bên bị thiệt hại nhiều nhất, thiệt hại toàn bộ là bên có F-35 mà cụ thể là Mỹ-NATO.

Chính vì lẽ đó mà khi S-400 đã hoàn tất mua bán mà Mỹ không thể đảo ngược thì Mỹ chính thức tuyên bố ngừng bán và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ 100 chiếc F-35 của Mỹ. Đây là hành động không thể khác, là nguyên tắc mà Ankara cũng thừa hiểu điều này…

Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là tại sao Mỹ chưa trừng phạt phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo luật CAATSA được ban ra?

Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo nói rõ với tờ Washington Post rằng:

“Luật pháp yêu cầu phải có các biện pháp trừng phạt và tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp và Tổng thống Trump sẽ tuân thủ luật pháp”.

Tuy nhiên, đó không phải là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì vào ngày 17/7, Trump chỉ tuyên bố loại trừ hoàn toàn Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 mà không đề cập đến trừng phạt theo luật CAATSA Mỹ.

Đúng thôi, nếu trừng phạt theo CAATSA thì Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn về phía Nga 100% chính trị cũng như quân sự tạo ra một thảm họa địa chính trị của Mỹ-NATO tại Trung Đông.

Mỹ thừa hiểu Thổ Nhĩ Kỳ rất không muốn Mỹ trừng phạt, có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không muốn “ly hôn” với Mỹ-NATO, có nghĩa là chấp nhận sự tồn tại của các căn cứ quân sự của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 60 đơn vị hạt nhân…Nếu Mỹ thực hiện trừng phạt thì Thổ Nhĩ Kỳ không ngồi yên và ngay lập tức Mỹ-NATO sẽ mất chỗ đứng chân chiến lược tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời lực lượng người Kurd tại Syria sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ dập cho tơi tả…

Và, kết quả cho ra là Mỹ chẳng còn gì tại Trung Đông trong khi đòn trừng phạt theo CAATSA hoặc nặng hơn cũng chẳng làm được Ankara quỳ gối.

Đó là lý do vì sao Mỹ chưa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo luật CAATSA dù rằng Mỹ căm tức bầm ruột. Rõ rồi, còn gì biểu hiện tốt hiện không về quyền bá chủ của Mỹ đã không còn như xưa, thời mà Mỹ muốn là được, không một chư hầu nào trái lệnh...

Hơn ai hết, Mỹ thừa hiểu việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 không chỉ tác động trong phạm vi đó mà nguy hại hơn, khi mua S-400 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc Nga rất, rất nhiều mặt, do đó, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy Mỹ-NATO ra khỏi chỉ là vấn đề thời gian…

Vì vậy, Mỹ sẽ không ngồi nhìn, Mỹ sẽ làm mọi cách để Thổ Nhĩ Kỳ không thể rời khỏi NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phải là thành viên NATO. Thổ Nhĩ Kỳ-NATO là yếu tố bất biến, cho nên, cách thức duy nhất của Mỹ là thay đổi chính quyền Erdogan.

Chính quyền Tổng thống Erdogan đừng dại đùa với quyền bá chủ Mỹ, nếu đã dại đùa thì phải nêu cao cảnh giác với đòn lật đổ sở trường của Mỹ.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-dang-dua-voi-quyen-ba-chu-my-3384361/