Thổ Nhĩ Kỳ đã có cách đáp trả hữu hiệu trừng phạt của Mỹ vì mua S-400

Vì mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt bằng việc ngừng cung cấp tiêm kích F-35, nhưng Ankara đã tìm ra cách đáp trả hữu hiệu.

 Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Để bù đắp cho việc không mua được F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của riêng mình và chuẩn bị lần đầu tiên cho ra mắt tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris, khai mạc ngày 17.6 và kéo dài hết ngày 23.6.

Trong một tuyên bố ngày 13.6, Công ty Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ lần đầu tiên ra mắt “Turkish Fighter” - được thiết kế và sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ - nhà thầu chính của công ty.

Bằng cách sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5, công ty tuyên bố “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ một lần nữa chứng minh về hạ tầng, công nghệ và khả năng của mình trước những cường quốc dẫn đầu như Mỹ, Nga và Trung Quốc”.

Việc sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5 “Turkish Fighter” là một bước phát triển công nghệ ngoạn mục trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu lên tới 25 tỉ USD/năm vào năm 2023.

Giáo sư Temel Kotil, Chủ tịch và CEO của Công ty Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, “chúng tôi sẽ làm những gì mà ít quốc gia trên thế giới làm. Lần đầu tiên chúng tôi sẽ trưng bày Turkish Fighter ở Paris để thể hiện khả năng của mình. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chứng minh rằng không có sự khác biệt so với các quốc gia khác từ quan điểm về cơ sở hạ tầng công nghệ”.

Công ty Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã chế tạo các linh kiện quan trọng cho tiêm kích F-35 do Mỹ thiết kế và sản xuất, và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng 100 chiếc F-35 mà Mỹ đồng ý bán cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, song thỏa thuận này bị trì hoãn do Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga.

Thương vụ mua S-400 là một điểm gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, vì Mỹ cho rằng S-400 của Nga không tương thích với công nghệ của tiêm kích tàng hình F-35, và sẽ làm tổn hại đến an ninh của NATO - khối hiệp ước quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên.

Việc sản xuất và phát triển dự án tiêm kích Turkish Fighter - sử dụng 3.200 nhân công và gián tiếp tạo ra khoảng 11.200 việc làm - có thể được coi là một giải pháp thay thế để bù đắp cho việc mất F-35, mặc dù việc sản xuất đã bắt đầu trước khi có những tranh cãi xung quanh thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Khánh Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-da-co-cach-dap-tra-huu-hieu-trung-phat-cua-my-vi-mua-s-400-739595.ldo