Thổ Nhĩ Kỳ có 'từ bỏ' S-400 trước lệnh trừng phạt của Mỹ?

Các biện pháp trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ được thiết lập ở mức độ cao hơn đối với những khách hàng mua hệ thống phòng không S-400, tuy nhiên chúng không có khả năng buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng thứ hai với Nga.

Nhận định trên của ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới - một cơ quan nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Moscow chia sẻ với hãng RIA mới đây.

Trước đó, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào cơ quan phát triển và mua sắm quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là Cơ quan công nghiệp quốc phòng (SSB), chủ tịch Ismail Demir của SSB cùng 3 nhân viên khác vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Động thái này dự kiến sẽ gây thêm căng thẳng giữa Washington và Ankara trong những tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden vào làm việc tại Nhà Trắng. Đồng thời, đây cũng là thông điệp gửi tới các chính phủ nước ngoài đang xem xét các thỏa thuận vũ khí trong tương lai với Nga.

Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: RIA)

Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: RIA)

Đồng thời, biện pháp trừng phạt trên vốn nhận được sự hoan nghênh từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, được công bố dựa theo đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA). Đây là lần đầu tiên đạo luật này được sử dụng chống lại một thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ sinh động về sự cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ trên thị trường vũ khí toàn cầu. Mục đích chính của các biện pháp trừng phạt này là cảnh báo các quốc gia khác rằng việc mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể gặp phải những hành động tương ứng từ Mỹ”, ông Korotchenko nói.

Theo ông Korotchenko, các hệ thống Patriot tương tự của Mỹ “kém hơn về mọi chỉ số cơ bản” so với các hệ thống của Nga. Do đó, Mỹ không thể cạnh tranh công bằng và phải sử dụng các cơ chế trừng phạt.

Tuy nhiên, ông Korotchenko cho rằng trên thực tế, các biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ký kết hợp đồng mua S-400 thứ hai đang được thảo luận.

Ông Korotchenko nhấn mạnh, một số hợp đồng đang được thực hiện để cung cấp S-400 cho một số quốc gia vẫn tuân thủ hợp tác quân sự - kỹ thuật với Nga, “bất chấp sự không hài lòng của Washington”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lên án về các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Ankara lên án và bác bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, đồng thời hứa sẽ đáp trả quyết định này. Theo đó, Ankara cho rằng, cáo buộc của Mỹ về lỗ hổng của các hệ thống NATO liên quan đến việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là không có cơ sở kỹ thuật.

“Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất thành lập một nhóm công tác kỹ thuật với sự tham gia của NATO và đã nhiều lần đề xuất giải quyết vấn đề này trên cơ sở khách quan và thực tế, không thiên vị chính trị. Chúng tôi mời Mỹ xem xét lại quyết định trừng phạt bất công này”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không phải là điều bất ngờ. “Đây là một biểu hiện khác của thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế, một biểu hiện của các biện pháp cưỡng chế đơn phương bất hợp pháp mà Mỹ đã sử dụng trong nhiều năm, trong nhiều thập kỷ đối với cánh tả và cánh hữu. Và tất nhiên, điều này không làm tăng thêm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế”, ông Lavrov nói.

Trước đó, năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã có một thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về hệ thống tên lửa S-400. Bất chấp những cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh NATO, lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2019. Một tuần sau, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác tài chính và sản xuất khỏi chương trình F-35.

Theo CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) mà Tổng thống Trump ký vào tháng 8/2017, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng vì chấp nhận hệ thống tên lửa của Điện Kremlin.

Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng di động (4 ống phóng/bệ) với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy, đi kèm xe radar đa năng, radar đo độ cao cùng xe điều khiển. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-co-tu-bo-s-400-truoc-lenh-trung-phat-cua-my-272428.html