Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút khỏi NATO ngay sau bài phát biểu của ông Putin?

Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin với màn phô diễn vũ khí đặc sắc giống như lời mời gọi Ankara hãy sớm từ bỏ NATO để đến với một bến đỗ vững chắn hơn.

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin giới thiệu nhiều vũ khí chiến lược mới.

Bình luận về Thông điệp Liên bang giới thiệu những vũ khí chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây, chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Beyazit Karatas nói với Sputnik rằng những tuyên bố này là lời gợi nhắc Ankara không cần đến cam kết phòng thủ chung với NATO.

Cựu Thiếu tướng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ Beyazit Karatas cho hay, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga là một thông điệp khuyên nhủ Ankara đã đến lúc không cần dựa vào NATO trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.

"Moscow nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể bình tĩnh rút khỏi NATO, và sau khi làm như vậy, Ankara sẽ nhận về sự đảm bảo không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào về an ninh", ông Karatas cho biết.

Chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh giá bài phát biểu của ông Putin không chỉ là lời đề nghị đầy lôi cuốn dành cho Ankara mà còn thông qua đó gửi thông điệp đến Mỹ.

"Tuyên bố của Nga không chỉ đưa ra cam kết bảo vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là giải pháp ngăn chặn cánh tay hạt nhân nối dài của NATO, và mặt khác, gửi một thông điệp tới liên minh phương Tây qua Thổ Nhĩ Kỳ”, Karatas diễn giải, Moscow luôn lo ngại NATO sẽ dùng Thổ Nhĩ Kỳ như một bệ phóng cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Màn giới thiệu những vũ khí chiến lược mới của Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang hôm 1/3 được đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý định khôi phục sức mạnh hạt nhân của nước này.

Đây được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí thông thường bằng động thái xây dựng lại năng lực hạt nhân.

Tuyên bố của ông Putin có thể được coi là một phản ứng đối với động thái đáng lo ngại, “đầy những mối đe dọa” từ phía chính quyền Trump.

Gửi lời mời thành lập liên minh

Giới phân tích đánh giá bài phát biểu của ông Putin như một lời mời gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy rời NATO.

Trong khi ở một quan điểm khác, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ozdemir Akbal lại cho rằng: "Bài phát biểu của Tổng thống Nga phản ánh nguyện vọng hình thành một liên minh mới".

Theo Akbal, một trong những mục đích của Điện Kremlin là "gửi một thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang trải qua những rắc rối trong quan hệ với đồng minh ở Syria".

Một mặt, bằng việc phô diễn sức mạnh các loại vũ khí hạt nhân mới nhất của Nga, ông Putin nhấn mạnh vị thế của Moscow như một cường quốc hàng đầu sau khi có những chiến dịch thành công vang dội ở Syria, và mặt khác – gửi lời mời gọi xây dựng quan hệ đồng minh mới.

Tuy nhiêm bất chấp hàng loạt các vấn đề trong quan hệ, Thổ Nhĩ Kỳ đến lúc này vẫn là thành viên của NATO, điều ngăn Ankara không được phép tham gia vào các liên minh khác.

"Nếu cấu trúc của NATO không bị cuộc khủng hoảng nào đó làm thay đổi sự cân bằng quyền lực hiện tại, sẽ rất khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm kiếm một liên minh mới", Akbal kết luận.

Đầu tuần này, ông Alexander Sherin, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, nói rằng các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Syria , Iran, Triều Tiên, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là các đối tác của Nga, và Moscow sẽ sẵn sàng "đứng về phía họ” trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau Thông điệp Liên bang của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó gây chú ý là màn chào hàng những vũ khí tiên tiến nhất của Nga, bao gồm tên lửa đạn đạo Sarmat, hệ thống tên lửa hành trình siêu vượt âm Kinzhal và hệ thống tên lửa siêu vượt âm chiến lược Avangard.

Theo Lawfare Blog, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện tại có vẻ tương đối vững chắc, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để gọi hai nước là "bạn" của nhau. Thay vào đó, Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan đang tham gia vào một sự hợp tác chiến thuật - có thể gọi là liên minh ngắn hạn.

Điều này có thể được thấy từ phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: "Bạn không cần phải nói chúng tôi biết là làm đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó khăn như thế nào. Đó là một quốc gia có những lợi ích của riêng họ, không phải lúc nào cũng trùng với chúng ta... Việc tìm kiếm lợi ích chung không phải là dễ dàng ngay cả ở cấp độ song phương. Hai nước sẽ phụ thuộc vào vấn đề người Kurd và đảm bảo cho sự ổn định ở Syria”.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-co-the-rut-khoi-nato-ngay-sau-bai-phat-bieu-cua-putin-a360984.html