Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xác nhận nguyên nhân hoãn triển khai S-400 Nga

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng xác nhận nguyên nhân khiến Ankara trì hoãn kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ S-400 Nga.

Sputnik đưa tin, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên Hội đồng Đại Tây Dương, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ibrahim Kalin cho hay, trong tháng Tư, Thổ Nhĩ Kỳ không thể triển khai các hệ thống phòng không S-400 mua của Nga từ năm ngoái do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Kalin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chắc chắn triển khai S-400 vào thời gian tới.

“Có sự trì hoãn là do dịch Covid-19, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch”, ông Kalin nói.

Hệ thống phòng không S-400 tham gia cuộc tập trận của quân đội Nga hồi năm 2018. (Ảnh: Sputnik)

Hệ thống phòng không S-400 tham gia cuộc tập trận của quân đội Nga hồi năm 2018. (Ảnh: Sputnik)

Ông Kalin cũng nhắc lại chuyện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần cho biết Ankara vẫn quan tâm tới việc mua các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Hiện Mỹ chưa đưa ra lời bình luận sau tuyên bố của phát ngôn viên Kalin.

Song trong thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, đe dọa cũng như yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga. Mỹ khẳng định hệ thống tên lửa S-400 không tích hợp với các hệ thống phòng thủ của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đang là một thành viên của liên minh quân sự. Ngoài ra, do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.

Ankara chọn mua S-400 của Nga sau khi Mỹ từ chối thông qua thương vụ bán các hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mua S-400 Nga là cần thiết cho nền an ninh quốc gia và từ chối đề nghị của Mỹ về việc từ bỏ mua tên lửa Nga.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga mà NATO gọi là SA-21 Growler được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 35 km.

Trong khi đó, hệ thống phòng không Patriot có khả năng ngăn chặn nhiều mối đe dọa từ trên không đối với các mục tiêu mặt đất, bao gồm máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình. Một hệ thống Patriot thường bao gồm xe phóng M901, radar theo dõi mục tiêu AN/MPQ-53, phòng điều khiển chiến đấu có người lái và xe nguồn.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/tho-nhi-ky-chinh-thuc-xac-nhan-nguyen-nhan-hoan-trien-khai-s-400-nga-61977.html