Thổ Nhĩ Kỳ: Chính sách tạo cực đối trọng địa-chính trị Đông-Tây

Các chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ xưa đến nay đều nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại đa vector, tìm kiếm các đối trọng cân bằng với phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực

Các chuyên gia phương Tây dành rất nhiều thời gian để cố gắng xác định “ai đã mất Thổ Nhĩ Kỳ”. Quan hệ của Ankara với phương Tây thực sự căng thẳng, nhưng sẽ không có chuyện nước này từ bỏ ước mơ gia nhập Liên minh châu Âu hay cắt đứt quan hệ hoặc rút khỏi NATO.

Ankara đang cố gắng thực hiện một chiến lược cân bằng, trong đó đa dạng hóa các mối quan hệ bên ngoài của mình bao gồm cả Âu-Á, thay vì chỉ duy trì ở phương Tây.

Người ta thường cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã dứt khoát cắt đứt quan hệ với phương Tây vào năm 2003 khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền. Những người theo quan điểm này cho rằng, bằng cách thay đổi hướng đi trong nội bộ, Ankara đã quay lưng lại với những gì phương Tây hy vọng đạt được trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự gia tăng ảnh hưởng của mình ở tất cả các khu vực địa-chính trị quan trọng trên biên giới của họ: Biển Đen, Nam Caucasus, Balkan, Địa Trung Hải và Syria-Iraq. Có thể nhìn thấy rõ điều này bằng cách nhìn vào bản đồ khu vực lân cận xung quanh đất nước này.

Không có một cường quốc nào trong khu vực lân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể mở ra cánh cửa cho sự can dự lớn hơn về kinh tế và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo biên giới của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hết sức phức tạp với Nga, Mỹ, NATO và EU

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hết sức phức tạp với Nga, Mỹ, NATO và EU

Đơn cử ví dụ là ngay cả Nga, là cường quốc nhưng cũng không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự hỗ trợ mang tính chất quyết định cho Azerbaijan trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai với Armenia hồi cuối năm ngoái. Và hiện nay, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân trên đất Azerbaijan cùng với Nga.

Lý do thực sự cho sự can dự ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, mặc dù sự phát triển đó diễn ra trong một thời gian dài hơn nhiều nhà phân tích mong đợi. Phải mất nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ mới tạo dựng được vị thế trong khu vực.

Vào năm 2021, có thể lập luận một cách chắc chắn rằng, Ankara đã thành công trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập được một hành lang trên bộ trực tiếp đến Biển Caspi (thông qua Cộng hòa Tự trị Nakhchivan của Azerbaijan) và tăng cường thế trận quân sự của mình ở Địa Trung Hải, đồng thời coi miền bắc Syria và Iraq là những vùng lãnh thổ có thể tạo ra chiều sâu chiến lược cho phòng thủ của xứ Anatolyan.

Sự giống nhau về nhãn quan địa-chính trị của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Một yếu tố thể hiện rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Ankara là vị trí địa lý vẫn quyết định nhận thức của quốc gia về vị trí và vị thế của quốc gia đó trên thế giới, có lẽ điều này thể hiện nhiều hơn bất kỳ quốc gia rộng lớn nào khác.

Thay vì chỉ gắn bó với trục phương Tây, trong hai thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi cách tiếp cận đa vector trong các vấn đề đối ngoại.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai với Armenia

Quốc gia này nằm ở ngoại vi châu Âu. Kinh nghiệm của nước này tương tự như của Nga ở chỗ cả hai đều đã hấp thụ ảnh hưởng rộng rãi của phương Tây, cho dù là về thể chế, chính sách đối ngoại hay văn hóa. Cả hai nước này đã được gắn chặt về vị trí địa-chính trị ở lục địa châu Âu trong nhiều thế kỷ qua.

Do mô hình chính sách đối ngoại đa vector cung cấp nhiều cơ hội hơn cho thế cơ động chiến lược, thu lợi kinh tế và gia tăng trưởng sức mạnh địa chính trị nhiều hơn, nên cả hai nước đều muốn thoát khỏi cách tiếp cận đơn điệu theo một trục trongchính sách đối ngoại.

Nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không có cơ hội để phá vỡ sự phụ thuộc hoàn toàn vào phương Tây. Phương Tây đơn giản là quá hùng mạnh so với các trục và các khối khác, trong khi toàn bộ nền kinh tế thế giới đều xoay quanh lục địa Châu Âu và Hoa Kỳ.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, mặc dù được xác định là quốc gia châu Âu, nhưng đều có phần lãnh thổ quan trọng nằm sâu trong châu Á hoặc Trung Đông, mang nặng tư tưởng coi tư duy địa-chính trị theo định hướng châu Âu là trái ngược với lợi ích quốc gia, trong bối cảnh phương Tây chưa bao giờ coi Ankara hoặc Moscow là hoàn toàn thuộc châu Âu.

Hai nhà nước này luôn theo đuổi các trục địa-chính trị để thay thế, nhưng luôn gặp khó khăn trong việc thực hiện chúng, đơn giản là vì châu Á, châu Phi hoặc bất kỳ cực địa-chính trị nào cũng không thể đủ khả năng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga cân bằng với phương Tây.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong hai thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tìm kiếm các trục địa-chính trị mới. Đối với Ankara, quan hệ thân thiết với Nga - bị chính phủ và các nhà quan sát phương Tây than phiền – cũng là một phương tiện để cân bằng sự phụ thuộc lịch sử của nước này vào địa-chính trị châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có đặc điểm địa lý giống nhau và loại trừ cách tiếp cận đơn điệu theo một trục trong chính sách đối ngoại

Mô hình chính sách đối ngoại tương tự có thể giải thích tư duy địa-chính trị của Moscow kể từ cuối những năm 2000, khi mối quan hệ của nước này với các quốc gia châu Á phát triển nhanh chóng như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc và gắn bó vào địa-chính trị phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn tìm cách tránh sự phụ thuộc vào phương Tây

Sự xoay trục về Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ (do cựu Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu thúc đẩy mạnh mẽ) không phải là một bước phát triển ngoại lệ trong chính sách đối ngoại của đất nước.

Trong Chiến tranh Lạnh, khi sự tập trung mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ vào trục phương Tây, Thủ tướng cánh tả Bulent Ecevit đã thúc đẩy ý tưởng về chính sách đối ngoại “lấy khu vực làm trung tâm”, mà nội dung cốt lõi là Ankara nên theo đuổi phương châm đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, ngoài định hướng truyền thống của phương Tây, nghĩa là can dự sâu hơn vào Trung Đông và Balkan.

Năm 1974-1975, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Necmettin Erbakan đã cố gắng xoay trục Ankara về phía thế giới Ả Rập. Thậm chí còn có những nỗ lực để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô. Nhưng trong suốt thời kỳ tái định hướng rõ rệt này, Ankara vẫn không có động thái nào chứng tỏ họ muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây.

Các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó tin rằng, việc đa dạng hóa các mối quan hệ với nước ngoài [phương Tây] sẽ mang lại lợi ích lớn cho vị thế của đất nước ở ngoại vi châu Âu nhìn ra Trung Đông đầy biến động. Sự đa dạng hóa sẽ không làm tổn hại đến trục phía Tây của đất nước, mà trên thực tế sẽ bổ sung cho nó.

Shah Reza Pahlavi của Iran trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Atatürk năm 1934

Trái ngược với suy nghĩ rằng Atatürk [Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1923 cho đến khi ông qua đời vào năm 1938] chỉ quan tâm đến trục phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước dưới sự lãnh đạo của ông có quan hệ chặt chẽ với các quốc gia Trung Đông lân cận, điều cần thiết khi xét đến tầm quan trọng địa chính trị của các quốc gia đó vào thời điểm đó.

Vì vậy, ông đã có quan hệ rất tốt với Vua Reza Pahlavi (Shah Reza Pahlavi) của Iran vào năm 1934 và vào năm 1937 đã ký một hiệp ước không xâm lược với Iran, Iraq và Afghanistan.

Việc theo đuổi một chính sách đối ngoại đa vector đã là một dấu ấn trong tư duy chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay cả trong thời Ottoman, khi chính sách đối ngoại lấy châu Âu làm trung tâm là không thể tránh khỏi, các quốc vương đã tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc của họ vào Anh và Pháp.

Sau cuộc chiến thảm khốc 1877-1878 với Nga, Sultan Abdul Hamid bắt đầu nỗ lực cân bằng thận trọng, bằng cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đế quốc Đức - một xu hướng góp phần tạo nên liên minh Đức-Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I.

Ankara sẽ không xa rời, mà sẽ tìm cách cân bằng trục phương Tây

Quay trở lại thời điểm hiện tại, yếu tố Trung Quốc đang tạo ra sự tái cấu trúc trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Vòng xoay châu Á mang lại hứa hẹn kinh tế và tăng khả năng cơ động trong chính sách của Ankara đối với các cường quốc lớn hơn như Nga, Mỹ và EU. Điều này phù hợp với sự trỗi dậy của “Chủ nghĩa Eurasian” của Thổ Nhĩ Kỳ, những khát vọng tương tự như những khát vọng đã thúc đẩy Nga trong hơn một thập kỷ qua.

Rời khỏi NATO, đối đầu với Mỹ, rút đơn xin gia nhập EU chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ

Đúng là trong những năm gần đây, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phương Tây trong liên minh đã tăng lên rõ rệt, nhưng nó vẫn chưa vượt qua ngưỡng không thể quay trở lại. Thông qua nhiều biện pháp khác nhau, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nỗ lực nâng cao vị thế của mình trong NATO.

Ankara nhận thức rõ rằng, họ vẫn là một đồng minh có giá trị của phương Tây. Các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phương Tây và những rắc rối đang diễn ra trong quan hệ song phương có thể được mô tả đúng đắn nhất là sự phản đối trong nội bộ liên minh, hơn là nỗ lực nhằm thoát khỏi phương Tây.

Vì vậy, chúng ta đi đến nhận định xác đáng về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ rằng: Ankara không tách mình ra khỏi phương Tây với mục đích cuối cùng là phá vỡ hoàn toàn các mối quan hệ đó. Việc đối đầu với Mỹ, cắt đứt quan hệ với NATO, rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu, đều không phải là những lựa chọn chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu của chính sách này là cân bằng mối quan hệ sâu sắc với phương Tây, vốn không mang lại lợi ích như mong đợi, vì họ đang thực thi một chính sách tích cực hơn ở các khu vực khác.

Tuy nhiên, chính sách này cũng không phải là bất biến, mà nó có tính lịch sử, thay đổi tùy theo bối cảnh lịch sử và chính sách của các quốc gia-dân tộc và sự chuyển động của các mối liên kết.

Vì vậy, chúng ta cũng đừng nên ngạc nhiên nếu một mai xu thế nhích lại phương Tây sẽ chiếm ưu thế, khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu trở nên tốt đẹp hơn, còn một khi liên kết này trở nên lỏng lẻo, không đáp ứng được lợi ích thì Ankara sẽ tìm đến một trục mới để tạo công cụ “tái cân bằng”.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-chinh-sach-tao-cuc-doi-trong-dia-chinh-tri-dong-tay-3429441/