Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Idlib: Tham vọng đế chế...

Các nhóm Hồi giáo cực đoan và phiến quân Syria đang giúp Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự khắp khu vực Trung Đông, Trung Á, từ Libya đến Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ và tư tưởng thánh chiến

Giới phân tích Trung Đông nhận xét rằng, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO, hiện có một lực lượng ủy nhiệm thánh chiến mà họ đã triển khai ở Syria cũng như ở các chiến trường Libya và Nagorno-Karabakh (thuộc chủ quyền Azerbaijan, nhưng đã ly khai khỏi Azerbaijan, tự tuyên bố độc lập và được Armenia bảo trợ).

Một loạt các nhóm chiến binh thánh chiến ẩn náu ở miền bắc Syria dưới sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành lực lượng ủy nhiệm thường trực của người Thổ Nhĩ Kỳ trong tham vọng xây dựng một Đế chế Ottoman mới.

Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh thánh chiến có mối quan hệ tư tưởng, giáo phái và có những mục tiêu chung, có sự tương hỗ về tài chính và hậu cần, cũng như sự gần gũi về địa lý. Họ có chung sở thích phiêu lưu ở những vùng đất xa xôi, đặc biệt là để phục vụ những gì họ coi là một “sự nghiệp thánh thiện”.

Theo giới truyền thông, HTS vẫn là nhóm chiến binh thống trị ở vùng lãnh thổ tây bắc của Cộng hòa Ả Rập Syria, với khoảng 10.000 chiến binh, đa số là người Syria; nhưng khu vực giảm leo thang xung đột Idlib vẫn quan trọng đối với ISIL với vai trò là một nơi trú ẩn “tương đối an toàn”.

Ngoài HTS, Thổ Nhĩ Kỳ còn hậu thuẫn cho “Quân đội Syria Tự do” (FSA) - lực lượng chiến đấu chủ yếu cho Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đất Syria. FSA được coi là nhóm vũ trang phi chính phủ lớn nhất Syria, với quân số từ 10.000 – 15.000 tay súng.

Hiện nay, các nhõm vũ trang thân Thổ đang chiếm cứ tỉnh Idlib và phần lớn tỉnh Aleppo của Syria. Tuy nhiên, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ không dừng lại ở đất nước Syria, mà nó còn lan tỏa cả Trung Đông, Trung Á và cả Bắc Phi, mà điển hình là ở Libya và Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ đang có tham vọng tái hiện đế chế Ottoman

Thổ Nhĩ Kỳ đang có tham vọng tái hiện đế chế Ottoman

Proxy: Công cụ thực hiện tham vọng

Khi tham vọng về một cái gọi là “tân Đế chế Ottoman” của Thổ Nhĩ Kỳ đẩy đất nước Libya lâm vào cuộc nội chiến, Ankara đã triển khai quân đội ủy nhiệm bán chính thức của mình vào khu vực chiến tranh mới này.

Theo tổng thanh tra của Lầu Năm Góc, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi từ 3.500 đến 3.800 tay súng phiến quân Syria [được họ trả lương] tới Libya chiến đấu cho “Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya” (GNA, nắm giữ nửa phía tây đất nước), trong ba tháng đầu năm 2020.

Đó là báo cáo đầu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu chi tiết về các đợt triển khai của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thay đổi tiến trình cuộc nội chiến ở Libya. Báo cáo hàng quý về các hoạt động chống khủng bố ở châu Phi của cơ quan giám sát nội bộ của Lầu Năm Góc cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tiền và cấp quyền công dân cho hàng nghìn lính đánh thuê, cùng với lực lượng dân quân ở Tripoli chống lại quân đội của tướng Khalifa Haftar ở miền đông Libya (tức “Quân đội quốc gia Libya” - LNA).

Cuối năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đồng minh thánh chiến của mình trong một cuộc xung đột diễn ra xa biên giới của mình, ở một vùng đất mà nhiều người hầu như không nghe nói đến vài tháng trước đó, để ủng hộ chính quyền đồng minh Azerbaijan.

Vào tháng 10 năm 2020, thi thể của hơn 50 tay súng Syria thiệt mạng trong cuộc chiến Azeri-Armenia (chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020) đã được đưa về nhà để chuẩn bị tang lễ. Họ là thành viên của các nhóm dân quân đã chiến đấu thay mặt cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Bất chấp thời gian phải bỏ ra và chi phí mà Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu, các nhà hoạch định chiến lược ở Ankara ngày càng thích nghi với việc sử dụng các nhóm proxy (các nhóm vũ trang do mình chi phối), tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tâm lý và nhận thức, thể hiện sự khác biệt đáng kể so với chính sách lịch sử dựa vào lực lượng quân sự thông thường của chính đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Osman Sert, giám đốc nghiên cứu tại Viện Ankara cho biết, sử dụng proxy hiện được coi là một thành phần quan trọng trong chiến lược tranh giành lợi ích an ninh khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này đạt được lợi ích mà không cần phải đổ nhiều xương máu.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-chiem-idlib-tham-vong-de-che-3430127/