Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu Israel trong lãnh hải Cyprus

Bất chấp phản đối từ Mỹ- EU, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khoan thăm dò ở Cyprus và mới đây còn chặn một tàu Israel.

Truyền thông Israel ngày 14/12 cho biết, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn một tàu Israel trong lãnh hải của Cộng hòa Cyprus và áp tải con tàu này rời vùng biển trên.

Tàu khoan Fatih, được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai để tìm kiếm khí đốt và dầu trong vùng biển được coi là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Cyprus ngày 24 tháng 6 năm 2019. Ảnh: Time Of Israel

Tàu khoan Fatih, được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai để tìm kiếm khí đốt và dầu trong vùng biển được coi là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Cyprus ngày 24 tháng 6 năm 2019. Ảnh: Time Of Israel

Theo Bộ Cơ sở hạ tầng Quốc gia, Năng lượng và Nước của Israel, tàu Bat Galim của Viện Nghiên cứu Hồ và Hải dương Israel đang tiến hành nghiên cứu trong vùng lãnh hải của Cộng hòa Cyprus cùng giới chức của đảo quốc này, các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với con tàu này, đề nghị giải thích về các hoạt động tại đây và sau đó yêu cầu con tàu này rời đi.

Chiếc tàu của Israel đã phải rời đi bởi không có lựa chọn nào khác dù Ankara không có bất cứ quyền tài phán nào đối với khu vực Địa Trung Hải.

“Sự cố xảy ra vài tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Libya ký thỏa thuận phân chia thẩm quyền đối với các khu vực trên biển Địa Trung Hải giữa hai nước này, mà bỏ qua các quyền kinh tế của Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp trên biển”, Jerusalem Post cho hay.

Thỏa thuận gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) có trụ sở tại Tripoli đã trao cho Ankara quyền khoan dầu ở ngoài khơi bờ biển của quốc gia Bắc Phi này. Điều này đã gây ra vấn đề lớn với một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập.

Cộng hòa Cyprus đã kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye (Hà Lan) nhằm bảo vệ trữ lượng khí đốt ngoài khơi của đảo quốc này trước các hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Ankara lại khẳng định "quyền hợp pháp" khi tiến hành các hoạt động thăm dò bởi các vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thuộc quyền tài phán của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ hiện cai quản miền Bắc đảo Cyprus.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, Ankara sẽ vẫn thực hiện khoan thăm dò tại Cộng hòa Cyprus cho tới khi Chính phủ nước này chấp nhận hợp tác theo kế hoạch được nước này xây dựng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, đề xuất của lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai miền đảo Cyprus hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt có thể góp phần vào hòa bình và sự ổn định tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo sau cuộc đảo chính của cộng đồng người gốc Hy Lạp. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus của người gốc Hy Lạp, trong khi “Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus” của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận.

Động thái của Ankara đã khiến Mỹ và các nước châu Âu phẫn nộ bởi Cộng hòa Cyprus là một thành viên của EU.

Hôm 15/7, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt chính trị và tài chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara thực hiện khoan dầu bên ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.

Theo gói trừng phạt này, EU sẽ đình chỉ các cuộc gặp tiếp xúc cấp cao giữa Khối liên minh này với phía Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời đình chỉ số tiền 164 triệu USD viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và tạm hoãn các cuộc đàm phán về một hiệp định hàng không.

EU cũng đã yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu xem xét lại các điều kiện đặt ra để cung cấp các khoản vay cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Với các lệnh trừng phạt mới của EU, con đường gia nhập Khối Liên minh này của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên “xa vời” hơn.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tho-nhi-ky-chan-tau-israel-trong-lanh-hai-cyprus-3393395/